Khi nông dân tham gia hòa giải cơ sở

Thứ năm, ngày 07/12/2017

(BDO) Với chủ đề “Nông dân với công tác hòa giải cơ sở”, hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật” lần XI năm 2017 đã thực sự để lại dấu ấn bằng những tình huống gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Những vấn đề, mâu thuẫn phức tạp trong công tác hòa giải cơ sở đã được chuyển tải hết sức nhẹ nhàng, sinh động qua từng phần thi được chuẩn bị kỹ lưỡng...


Đại diện Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đội tham gia hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật” lần XI năm 2017 diễn ra vào sáng 6-12

Hòa giải bằng cái tâm dựa trên pháp luật

Công tác hòa giải cơ sở có vai trò quan trọng trong việc kéo giảm mâu thuẫn, tranh chấp trong đời sống khu dân cư. Có những vấn đề đơn giản bỗng trở nên phức tạp vì những mâu thuẫn của đương sự, có những mâu thuẫn phức tạp sẽ được giải quyết một cách “thấu tình đạt lý” nhờ các hòa giải viên nhiệt tình, thân thiện.

Ông Trần Văn Mạnh, hội viên Hội Nông dân xã An Thái, huyện Phú Giáo, chia sẻ kinh nghiệm khi được hỏi về công việc “vác tù và hàng tổng”: “Nhiều năm nay tôi thường xuyên cùng tổ hòa giải đến nhà từng hộ dân để tham gia hòa giải. Phần lớn những mâu thuẫn hiện nay chủ yếu là tranh chấp đất đai. Kinh nghiệm của tôi là khi nhận được đơn khiếu nại, chúng tôi sẽ chủ động tiếp cận từng bên để lắng nghe lý do, giải thích, khuyên bảo họ trước. Sau đó, trong buổi hòa giải, chúng tôi sẽ thuyết phục họ bỏ qua những mâu thuẫn, tranh chấp của mình để đạt được những thỏa thuận hợp lý”.

Cũng theo ông Mạnh, do là hội viên Hội Nông dân, là người gần gũi với bà con hàng xóm nên việc tiếp cận với các đương sự để hòa giải cũng khá thuận lợi. Những vấn đề tranh chấp căng thẳng đôi khi sẽ được hóa giải bằng những tâm sự hợp tình, hợp lý trên cơ sở “tình làng nghĩa xóm”. Điều quan trọng, khi đã tham gia hòa giải cơ sở thì phải nhiệt tình, chân thành nhưng cũng phải có hiểu biết về kiến thức pháp luật.

Nói về điều này, bà Lê Thị Minh Ánh, hội viên Hội Nông dân phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, tâm sự: “Vốn dĩ là nông dân nhưng từ khi trở thành hội viên Hội Nông dân, cán bộ Hội Phụ nữ phường, tôi thường xuyên tham gia các hội thi tìm hiểu pháp luật để nâng cao hiểu biết. Những kiến thức thu nhận từ các hội thi như thế này sẽ giúp ích cho chúng tôi trong công tác hòa giải tại địa phương mình”.

Sân chơi để hòa giải viên trao đổi kinh nghiệm

Hội thi năm nay được tổ chức với 3 vòng thi gồm: Trắc nghiệm, xử lý tình huống và tiểu phẩm. Vòng thi trắc nghiệm có 20 câu hỏi, thời gian trả lời đáp án là 10 giây. Vòng thi xử lý tình huống, mỗi đội cử đại diện lên bốc thăm và trả lời câu hỏi trong thời gian 3 phút. Vòng thi tiểu phẩm, mỗi đội lần lượt trình diễn một tiểu phẩm trong thời gian tối đa 10 phút. 

Sáng 6-12, 9 đội đại diện cho 9 huyện, thị, thành phố đã lần lượt trải qua 3 vòng thi với các nội dung xoay quanh chủ đề “nông dân với công tác hòa giải cơ sở” với các văn bản luật như: Luật Hòa giải cơ sở, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo; các nghị định, thông tư, nghị quyết của Chính phủ có liên quan đến các văn bản luật nêu trên. Kiến thức về các văn bản luật này được lồng ghép vào từng câu hỏi, vòng thi sao cho dễ hiểu, dễ nhớ. Chẳng hạn, phần thi trắc nghiệm, thí sinh sẽ vận dụng nhiều kiến thức đã nghiên cứu vào các nhóm câu hỏi theo chủ đề như: Tiêu chuẩn của hòa giải viên, khi nào thì hòa giải thành, như thế nào là khi các đương sự đạt được thỏa thuận, phạm vi hòa giải cơ sở,… Ở vòng thi xử lý tình huống và tiểu phẩm, mỗi đội thi lại thể hiện được nét riêng khi trình bày quan điểm của đội mình qua cách xử lý trước những tình huống tranh chấp, mâu thuẫn thường gặp trong công tác hòa giải cơ sở, như: Tranh chấp lối đi, ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi, mâu thuẫn gia đình… Các tiết mục tiểu phẩm biểu diễn đã thể hiện được sự đầu tư nghiêm túc, chu đáo, để lại ấn tượng cho người xem.

Chị Lê Thị Hà Giang, thí sinh đến từ TX.Dĩ An cho biết: “Để tham gia hội thi tôi đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài việc nâng cao hiểu biết pháp luật, qua hội thi tôi cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm hay giúp ích cho hoạt động hòa giải cơ sở”.

 Ông Lâm Văn Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, Trưởng ban tổ chức hội thi, cho biết thêm: “Theo kế hoạch, hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật” lần thứ XI năm 2017 với chủ đề “Nông dân với công tác hòa giải cơ sở” được tổ chức ở ba cấp, sau khi tổ chức xong vòng thi cấp cơ sở và cấp huyện, thị, thành phố nên hôm nay tổ chức thi cấp tỉnh. Hội thi năm nay được tổ chức nhằm thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, hội viên, nông dân về những vấn đề cơ bản trong công tác hòa giải cơ sở. Từ đó, các cán bộ, hội viên, nông dân sẽ vận dụng các quy định của pháp luật trong thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Hội thi lần này tiếp tục khẳng định hoạt động của tổ chức hội trong lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo sân chơi bổ ích trong việc giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ những hoạt động của hội thi.”

Kết thúc hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật” lần XI năm 2017, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đội của TX.Dĩ An, giải nhì cho đội của TX.Thuận An; đội của huyện Bắc Tân Uyên nhận giải ba.

 

TÂM TRANG