Khi nhà băng sẵn sàng bơm vốn

Thứ tư, ngày 24/09/2014

Sau một thời gian dài “ngủ đông”, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) thời gian qua đã có dấu hiệu khởi sắc, thậm chí còn lấn lướt so với các lĩnh vực khác. Hiện nay, dư nợ cho vay BĐS đã tăng tới 9,85% so với đầu năm, cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế (5,82%) và nhiều khu vực đang được ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây quả là một tín hiệu tích cực cho thị trường BĐS trong bối cảnh thị trường này đang được cho là ấm dần lên.

(BDO)

 Các ngân hàng bắt đầu tung ra nhiều gói cho vay ưu đãi khá hấp dẫn: Vietcombank với gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho vay mua nhà đất, xây sửa nhà với lãi suất từ 7,99%/năm. ACB đưa chương trình cho vay mua ngôi nhà đầu tiên dành cho cá nhân có thu nhập từ 10 triệu đồng với lãi suất 8,9% trong năm đầu tiên. VIB cũng vừa triển khai 3 gói cho vay với lãi suất ưu đãi 6,99%/năm, 8,99%/năm, 9,99%/năm cố định trong thời gian từ 6 tháng đến 24 tháng đầu cho các khoản vay BĐS…

Dư nợ tín dụng BĐS tăng cao một mặt cho thấy sau thời gian tái cấu trúc, hệ thống ngân hàng đã “khỏe” lại, bài toán nợ xấu đã và đang được giải quyết khá hiệu quả. Các ngân hàng đã sẵn sàng bơm vốn cho các dự án BĐS có khả năng hồi sinh, những dự án nhà ở gắn với nhu cầu thực của thị trường. Mặt khác, chương trình thí điểm cho vay liên kết 4 nhà (nhà đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp vật liệu xây dựng - ngân hàng) cũng đang phát huy tác dụng.

Một tin vui nữa cho thị trường BĐS là hiện Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu đề xuất lên Chính phủ một gói cho vay hỗ trợ mua nhà ở mới, khắc phục những điểm bất cập của gói 30.000 tỷ đồng. Theo đó, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được mua cả căn hộ chung cư cao cấp, nhà liền kề... với hạn mức vay tối đa là 2 tỷ đồng, lãi suất chỉ 6 - 7,5%/ năm, thời hạn vay tối đa là 10 năm.

Dư nợ tín dụng BĐS gia tăng và những thông tin về chính sách vĩ mô mới sẽ là một cú hích cho thị trường BĐS sau một thời gian dài trầm lắng, đóng băng, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư, ngân hàng và người dân có nhu cầu thật sự về nhà ở. Tất nhiên, dư nợ tín dụng BĐS tăng cao sẽ thật sự an toàn và tác động tốt cho nền kinh tế khi và chỉ khi thị trường này được kích thích phát triển một cách lành mạnh. Sự trầm lắng của thị trường BĐS và nợ xấu ngân hàng do BĐS gây nên thời gian qua vẫn là một lời cảnh báo còn nguyên tính thời sự.

 THÀNH SƠN