Khi người dân đồng lòng
(BDO) Đến huyện Phú Giáo hôm nay, nhìn các tuyến đường giao thông trải nhựa bằng phẳng, rộng rãi, ít người biết rằng 20 năm trước vùng đất này còn hoang vu, chủ yếu là đường đất đỏ, bụi mù mịt vào mùa nắng, sình lầy vào mùa mưa. Giờ đây, Phú Giáo đang trên đường đổi thay mạnh mẽ. Những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được đã minh chứng cho sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây.
Người dân thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo góp sức làm một tuyến đường giao thông nông thôn. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Tạo sự đồng thuận cao
Với quan điểm xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua các cấp ủy, chính quyền ở huyện Phú Giáo đã làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn. Nhờ đó, phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn đã được nhân dân trong huyện đồng tình, hưởng ứng. Đến nay, toàn huyện đã bê tông hóa hàng chục tuyến đường do nhân dân hiến đất, góp tiền.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhờ sự đồng thuận trong nhân dân, thời gian qua nhiều hộ dân trong huyện đã tự nguyện hiến đất, cây cối, công trình và góp tiền để làm đường. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều con đường nhỏ hẹp, đường đất đã được thay thế bằng những con đường nhựa, đường bê tông.
Chị Nguyễn Thị Quế Chi, ở xã Tân Long, chia sẻ khi xã phát động mở rộng và nâng cấp đường giao thông nông thôn, thấy nhiều hộ dân ở địa phương còn băn khoăn việc góp tiền, chị đã động viên bà con cùng tình nguyện hiến đất, đóng góp tiền để công trình nhanh chóng được thực hiện, tránh tình trạng nắng bụi mưa lầy, đem lại lợi ích chung cho người dân trong ấp. Ông Dương Văn Chuyển, người dân ấp 4, xã Tân Hiệp, cho hay để làm đường giao thông nông thôn khang trang, thuận lợi cho việc đi lại, các gia đình ở đây đã ủng hộ 10 triệu đồng/hộ. Riêng gia đình ông ủng hộ thêm gần 15 triệu đồng tiền mặt để làm đoạn đường với kinh phí thực hiện 560 triệu đồng.
Ông Huỳnh Văn Sương, ở tổ 5, ấp 3, xã Tân Hiệp tâm tình, khi có chủ trương làm đường giao thông đi qua đất nhà, gia đình ông đã tình nguyện hiến gần 1.000m2 đất và hơn 50 cây cao su đang khai thác để làm đường. Ngoài ra, ông còn ủng hộ thêm gần 10 triệu đồng. Cũng như ông Sương, gia đình ông Võ Toàn ở ấp 1, xã Tân Hiệp đã hiến hơn 3.000m2 đất và gần 100 cây cao su đang khai thác để làm đường giao thông… Nhờ sự đồng thuận của nhân dân đã góp phần to lớn để xã Tân Hiệp được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành sớm hơn 1 năm so kế hoạch.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua các ban ngành, đoàn thể của xã Tân Hiệp đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng nông thôn, trong đó tập trung đầu tư nâng cấp các công trình thiết chế văn hóa, văn phòng ấp, nhà văn hóa xã, sân vận động. Việc xây dựng các tuyến giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí được địa phương quan tâm hàng đầu và nhận được sự đồng thuận cao trong dân. Nhờ đó, mọi mặt của xã Tân Hiệp đã đạt kết quả tốt đẹp.
Nông thôn đã “gần” thị thành
Năm 2018, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Giáo đã có nhiều cố gắng trong việc tăng tỷ trọng các tuyến đường có quy mô, kết cấu bê tông xi măng, láng nhựa nhằm nâng cao chất lượng sử dụng và tăng tuổi thọ công trình, góp phần tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân trong khu vực. Nhờ làm tốt công tác xây dựng giao thông nông thôn, từ năm 2010 đến nay, hàng trăm công trình giao thông nông thôn đã được đầu tư xây dựng ở Phú Giáo, trong đó có sự đóng góp to lớn từ người dân.
Hiện nay, hệ thống giao thông nông thôn của huyện hầu như đã được nâng cấp bằng vật liệu cứng, những tuyến đường trải nhựa, bê tông nối liền các địa phương trong huyện với nhau, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn của huyện, rút ngắn khoảng cách giữa đô thị với nông thôn. Có thể nói, huyện Phú Giáo là một trong những điểm sáng về làm đường giao thông nông thôn của tỉnh trong thời gian qua.
Ngày 20-8-1999, huyện Phú Giáo được tái thành lập trên cơ sở 6 xã và 1 thị trấn của huyện Tân Uyên, 2 xã của huyện Bến Cát (trước đây) với diện tích 530km2, dân số 60.000 người, trong đó có 11.000 đồng bào dân tộc thiểu số. Xuất phát điểm thấp, những ngày mới tái lập, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển của huyện còn rất nghèo nàn, thiếu thốn; giao thông đường bộ chủ yếu là đường đất đỏ, xuống cấp nặng nề; các cơ sở phúc lợi xã hội gần như chưa có. Là huyện thuần nông nhưng kinh tế nông nghiệp của Phú Giáo lúc đó phát triển manh mún, tỷ lệ hộ nghèo cao... Trước thực tế này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã đoàn kết một lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn, tìm các giải pháp phù hợp phát triển kinh tế - xã hội, đưa Phú Giáo từng bước đi lên.
Có thể khẳng định, với sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, phong trào đóng góp làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thật sự khởi sắc. Qua đó, hệ thống giao thông nông thôn đã kết nối đồng bộ với các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh, tạo sự thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
KHÁNH VINH