Khi ngân hàng “lách luật” mua, bán USD!

Thứ bảy, ngày 11/12/2010

Vào dịp cuối năm, ngân hàng (NH), doanh nghiệp (DN) lại lo ngại vì trạng thái cung cầu USD mất cân đối. Năm nay, tình hình diễn biến phức tạp hơn bởi tâm lý lo ngại lạm phát khiến cá nhân và DN gia tăng găm giữ ngoại tệ. Trước thực tế không đủ USD để cung ứng, các NH đã sử dụng nhiều cách lách để mua, bán USD!

 Trước áp lực nguồn cung ngoại tệ USD không đáp ứng đủ cầu vào thời điểm cuối năm, cộng với tâm lý kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng trong thời gian tới nên đã phát sinh hiện tượng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ của một số tổ chức, cá nhân. Theo phản ánh của các NH, hiện có rất nhiều DN có nguồn thu ngoại tệ nhưng chưa muốn bán cho NH thời điểm này, một số thương lượng sẽ bán nhưng với giá 21.300 VND/USD, bằng không thì duy trì trên tài khoản hoặc chuyển nơi khác. Ngoài ra, các tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân cũng đang có xu hướng tăng trong tổng nguồn vốn huy động. Điều này đã góp phần gây áp lực tăng tỷ giá USD, tạo điều kiện cho tỷ giá USD trên thị trường tự do cao hơn nhiều so với tỷ giá giao dịch của các NH. Có cầu ắt có cung, vì vậy, đã phát sinh tình trạng tìm cách “lách” để mua, bán USD với giá cao hơn giá niêm yết. Theo phản ánh của một số DN, mặc dù các NH niêm yết giá mua bán là 19.500 VND/USD, nhưng khách hàng không thể mua USD với giá này, nhưng nếu chấp nhận mua giá cao hơn giá niêm yết có thể nhờ NH làm môi giới mua giúp.

  USD đang khan hiếm trên thị trườngQua tìm hiểu, phần chênh lệch đã được các NH xử lý bằng nhiều cách. Cụ thể, nếu khách hàng có quan hệ tín dụng thân thiết với NH thì sẽ cùng thỏa thuận tính vào mức lãi suất cho vay tiền đồng để bù vào phần chênh lệch mua hoặc bán ngoại tệ vượt tỷ giá quy định. Nếu khách hàng chưa từng có quan hệ tín dụng với NH, thì sẽ thu phí dịch vụ liên quan (phí thẩm định, phí tư vấn...) do công ty con thuộc hệ thống thực hiện (nhưng không hạch toán trực tiếp giao dịch này  tại các chi nhánh tín dụng). Hoặc NH sẽ làm môi giới giới thiệu để 2 khách hàng gặp nhau và giao dịch theo tỷ giá thỏa thuận, còn NH sẽ hạch toán theo đúng tỷ giá quy định và hưởng phí chuyển tiền.

Trước thực tế không đủ USD để cung ứng cho khách hàng đã đẩy các NH vào tình thế tìm nhiều cách lách luật. Dù thực hiện biện pháp kỹ thuật nào đi nữa thì khó khăn vẫn dồn về DN. Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Bình Dương Nguyễn Phú Cường cho biết, hiện tượng thu thêm phí ngầm trong hoạt động mua bán ngoại tệ tại các NH không chỉ gây méo mó cung cầu ngoại tệ mà còn tạo ra những hệ lụy phức tạp và khó khăn trong việc quản lý, thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Hiện NHNN - Chi nhánh Bình Dương đã có văn bản yêu cầu các TCTD chấp hành nghiêm túc các giao dịch mua bán ngoại tệ theo đúng quy định, trong quá trình hoạt động, nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc cần nhanh chóng phản ánh với NHNN - Chi nhánh Bình Dương để kịp thời xử lý. NHNN sẽ thanh tra, kiểm tra đột xuất và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

NHNN - Chi nhánh Bình Dương cho biết, tổng vốn huy động và cho vay ngoại tệ đang diễn biến trái chiều. Tính đến hết tháng 10, tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ trên địa bàn tăng 13,16% so đầu năm. Trong khi đó, do lo ngại tỷ giá sẽ tăng cao nên trong thời điểm này, các DN đã hạn chế sử dụng vốn vay ngoại tệ. Tổng dư nợ cho vay đã giảm 17,14% so với đầu năm, chiếm 15,53% trên tổng dư nợ.

 

HỒNG TRÚC