Khi “độc quyền” là… thượng đế!

Thứ ba, ngày 10/09/2013

 “Móc túi” khách hàng!

Có thế thấy ngành điện là một ví dụ. Nếu cú “đánh úp” về tăng giá điện vào đầu tháng 8 vừa qua vẫn còn gây bức xúc trên công luận, thì việc áp dụng phương pháp “nội suy” để tính giá điện bậc thang lũy tiến, áp định mức cho từng bậc thang trong điều chỉnh giá điện tháng 8, với những quy định “tréo ngoe”, “áp đặt”, “cửa quyền” đã khiến dư luận thêm bức xúc bởi sự “độc quyền” đã đến độ “tức nước, vỡ bờ”.    Ngành điện một mình một “sân” nên khách hàng khó mà trở thành “thượng đế”!

Nhìn vào một hóa đơn tính tiền điện trong tháng 8 của Điện lực Thuận An, có thể thấy bên cạnh việc giá điện tăng thêm bình quân 5%, còn có cả ý đồ “móc túi” người dân. Số điện năng tiêu thụ được chia làm 2 loại với 2 mức giá, trước và sau điều chỉnh. Tuy nhiên, việc áp định mức bậc thang lại không được áp đúng như thông thường mà bị chia nhỏ để nâng thêm các bậc thang giá điện theo hướng tăng dần. Ví dụ, loại điện năng tiêu thụ trước khi tăng giá, với định mức bậc thang đầu tiên 100 kWh (giá 1.350 đồng/ kWh, giá cũ), ngành điện cho rằng được áp dụng trong 1 tháng. Nay do điều chỉnh giá điện trong khi việc ghi số điện có nơi thường khoảng vào ngày 17 hàng tháng nên không đủ thời gian cho 1 tháng, phải chia 100 kWh này ra theo số ngày sử dụng trong tháng, để từ đó áp định mức với các bậc thang lũy tiến. Như vậy, 100 kWh định mức bậc thang đầu sẽ được chia còn gần 1 nửa, trên 40 kWh đầu với giá 1.350 đồng, khoảng 60 kWh (lẽ ra thuộc định mức bậc thang 100 kWh đầu tiên với giá 1.350 đồng) và những đơn vị điện năng sử dụng còn lại sẽ được áp cho các khung định mức (cũng được chia theo phương pháp nội suy như khung định mức đầu tiên) tương tương với giá bậc thang lũy tiến với giá cao hơn.

Tương tự, với loại điện năng tiêu thụ tính theo giá điều chỉnh mới, định mức 100 kWh áp cho giá bậc thang đầu tiên cũng được chia nhỏ như vậy, rồi lần lượt chia nhỏ hơn nữa đơn vị ở các định mức sau cho các bậc thang mà giá áp để tính tiền điện của nó cũng sẽ tăng theo. Phương pháp này của ngành điện không chỉ nhằm một mục đích áp giá điện trong tháng 8 tăng 5% theo giá điều chỉnh mà còn “móc” thêm hầu bao của người tiêu dùng! Chỉ tính riêng một hộ gia đình ở T.X.Thuận An, nếu dùng trên dưới 200 kWh điện trong tháng 8, ngoài giá điện tăng thêm 5% sẽ phải trả thêm khoảng 15.000 - 30.000 đồng tiền điện vô lý bởi cách áp định mức với cái phương pháp gọi là… “nội suy” của ngành điện! Vô lý bởi khi thực hiện phép tính tổng lượng điện thương phẩm trong tháng 8 không đổi nhân với giá điện bình quân được áp dụng bởi 2 mức giá, trước và sau điều chỉnh, sẽ cho ra một con số về giá trị, nhưng cũng với phép tính này, khi áp dụng phương pháp “nội suy” lại có một con số khác có giá trị cao hơn! Thật đáng khen cho tư duy của ngành điện, biến cái không phải của mình thành cái của mình hay nói cách khác là “móc tiền trong túi người tiêu dùng”! Chỉ tính riêng một hộ gia đình ở T.X.Thuận An, nếu dùng dưới 200 kWh điện trong tháng 8, ngoài giá điện tăng thêm 5% sẽ phải trả thêm khoảng 15.000 -30.000 đồng tiền điện. Nếu đem con số này tính trên toàn các hộ dân ở TX.Thuận An hoặc trong phạm vi cả nước cũng áp “nội suy”… số tiền “móc túi” này sẽ tích tiểu thành… cực đại!

Trớ trêu thay, ngành điện vẫn đang ra rả hô hào vận hành theo cơ chế thị trường nhưng nếu soi vào nguyên tắc của kinh tế thị trường coi “khách hàng là thượng đế” thì họ đang làm hoàn toàn ngược lại.

Và cái thế của “độc quyền”…

Những tưởng câu chuyện độc quyền chỉ có thể diễn ra ở một vài DN có 100% vốn của Nhà nước như ngành điện thì câu chuyện của các hộ dân ở Khu chung cư Việt - Sing, phường An Phú, TX.Thuận An về việc đăng ký sử dụng dịch vụ truyền hình và viễn thông, cho thấy “độc quyền” còn đang manh nha ở cả loại hình DN có vốn cổ phần. Số là chủ đầu tư khu chung cư này đã để cho một đơn vị là Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông (VNTT) đầu tư hạ tầng viễn thông trong quá trình xây dựng khu chung cư. Người dân khi sử dụng dịch vụ truyền hình (chủ yếu truyền hình cáp) và dịch vụ viễn thông như điện thoại và internet chỉ có thể sử dụng những dịch vụ này từ VNTT mà không thể sử dụng từ các đơn vị khác. Và, khi VNTT đã được độc quyền cung cấp các gói dịch vụ tại đây, họ đã thể hiện một cung cách… cũng rất độc quyền!

Nhiều hộ dân đã đăng ký với VNTT để được sử dụng các dịch vụ trên cả tháng nay nhưng chờ mãi vẫn chưa được VNTT lắp đặt, cung cấp. Do nhu cầu xem truyền hình đối với mỗi người dân giờ đây đã như ăn cơm và uống nước hàng ngày, cực chẳng đã, nhiều hộ dân đã phải đi mua các bộ thu vệ tinh và sử dụng các kênh truyền hình miễn phí, mỗi khi trời đổ mưa là mất tín hiệu bởi không phải ai cũng có thể dùng được dịch vụ của K+ hay AVG vì chi phí cao. Đối với nhu cầu sử dụng internet cũng vậy, một hộ dân ở Block C, khu chung cư này cho biết, do yêu cầu của công việc hàng ngày nên nhu cầu về internet rất cấp thiết, đăng ký từ rất lâu rồi mà vẫn chưa được VNTT cung cấp. Hộ dân này cũng cho biết, đã nhiều lần gọi điện đến nhân viên tư vấn và cả tổng đài của VNTT nhưng chỉ nhận được những câu trả lời chờ và chờ đến… dài cổ!

Trong khi nhiều DN đang gặp khó khăn phải tìm mọi cách để kích cầu, giải phóng hàng tồn kho thì đối với VNTT dường như không quan tâm lắm đối với việc cung cấp, bán các sản phẩm dịch vụ của mình bởi khi đã “độc quyền” cung cấp dịch vụ tại một khu vực hay chung cư nào đó, họ chẳng cần vội vàng, thị phần ở khu vực này cũng không thể bị mất đi. Ở đây cũng không loại trừ khả năng sự “độc quyền” có thể còn dẫn đến sự nhũng nhiễu đối với người dân khi muốn đăng ký sử dụng dịch vụ. Đó là chưa nói đến sau khi sử dụng dịch vụ, VNTT còn có thể nâng giá dịch vụ, bảo trì, sửa chữa theo… phong cách “độc quyền” khi mà khách hàng chỉ là “đày tớ”, và khi đó sự “độc quyền” của họ mới thật sự lên ngôi “thượng đế”!

 THÀNH SƠN