Khi cha mẹ không tin con

Thứ hai, ngày 07/10/2019

(BDO) Có bao giờ chúng ta tự hỏi, mình đã tin con cái hoàn toàn chưa? Và rằng, sự lo lắng, nghi ngờ này ảnh hưởng rất lớn đến con trẻ?

Có một câu chuyện như thế này: Đầu năm học 2019-2020, khi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm của các lớp THCS đã tạo nhóm liên hệ qua Zalo cho phụ huynh. Điều này rất đáng hoan nghênh vì có sự liên lạc giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh. Cha mẹ sẽ biết lịch học, kiểm tra, thi của con để nhắc nhở động viên con học hành làm bài tốt hơn. Việc làm này cũng có thể giúp thầy cô liên lạc kịp thời với gia đình nếu hệ thống nhắn tin chung của trường bị trục trặc. Tất nhiên đây là… phương án dự phòng vì thời khóa biểu, lịch kiểm tra 15 phút, 1 tiết hay kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ cô thầy bộ môn, chủ nhiệm đều ghi lên bảng cho học sinh ghi vào sổ báo bài.

Nhưng từ khi có nhóm Zalo liên lạc với phụ huynh, thôi thì nhiều kiểu quan tâm thái quá khiến không ít giáo viên đã bận càng bận hơn. Cô ơi! Cho xin thời khóa biểu. Cô ơi! Cho xin lịch kiểm tra… Rồi thì điện thoại tít tít liên tục bởi những trao đổi qua - lại giữa phụ huynh với nhau mà cô, thầy chủ nhiệm đành “đứng mũi chịu sào”.

Có lần tôi hỏi: Các chị nhắn tin nhiều không sợ phiền thầy cô? Một số phụ huynh trả lời: Do không tin con, sợ con ghi nhầm thời khóa biểu… Đến nỗi trường cho học sinh nghỉ học để tổ chức hội nghị công nhân viên chức đầu năm nhưng phụ huynh cũng nghi ngờ con nói dối, phải nhắn tin hỏi cô giáo chủ nhiệm.

Tôi cũng có người bạn “đau khổ” tâm sự rằng, bạn không tài nào vào Zalo, Facebook của con được. Lý do, con chặn cha mẹ, không cho xem. Hỏi sao con làm vậy thì con bé trả lời: “Ba mẹ có tin con đâu, xem làm gì? Con thông báo chuyện gì ở trường ba mẹ cũng hỏi lại: Thiệt không rồi nhắn tin cho cô giáo. Vô đọc làm gì để rồi suy diễn lung tung”.

Như vậy đó các bậc cha mẹ. Con cái chúng ta đã học lớp 6, 7, 8, 9 hết cả rồi, lo lắng thái quá và không tin con có khi sẽ gây tác dụng ngược. Hãy để con cái tự lập, tự lo liệu việc học của con. Có chăng chỉ nhắc chừng con và hãy cho con niềm tin. Đó cũng là một cách động viên, khích lệ con tự lớn lên, tự trưởng thành!

 QUỲNH NHƯ