Khi bóng đá ảnh hưởng tới chính trị

Thứ sáu, ngày 11/06/2010

Năm 1969, hai quốc gia Trung Mỹ Honduras và El Salvador tuyên chiến sau trận đấu giành vé vào vòng chung kết World Cup 1970. "Cuộc chiến bóng đá" này là một ví dụ cho thấy ảnh hưởng của môn thể thao vua lên chính trị.

 

CNN tập hợp những sự kiện khi bóng đá và chính trị ảnh hưởng lẫn nhau.

 

Mussolini thao túng giải đấu 1934

 

Nhà độc tài Mussolini quyết tâm tận dụng kỳ World Cup 1934 để quảng bá Italy. Mussolini còn cho làm riêng một chiếc cúp cho sự kiện này, gọi là Coppa Del Duce, to gấp 6 lần chiếc cúp vàng Jules Rimet. Nhiều người vẫn ngờ rằng giải đấu được định đoạt từ trước để chỉ đội tuyển Italy giành được chiếc cúp đó.

 

Trong cuốn Những câu chuyện về World Cup, nhà báo Anh kỳ cựu Chris Hunt cho hay chính Mussolini đích thân lựa chọn các trọng tài. Tại trận bán kết với Áo, đội tuyển Italy đã thắng với tỷ số 2-1. Các cầu thủ đội Áo than phiền rằng trận đấu đã được sắp đặt kết quả từ trước.

 Các cổ động viên của đội tuyển Italy sơn mặt và nhuộm tóc giống màu cờ nước này.   

"Thậm chí cả trọng tài cũng chơi cho họ", tiền đạo Josef Bican của Áo phát biểu. “Khi tôi chuyền bóng sang cánh phải, cầu thủ Cicek của chúng tôi chạy theo và trọng tài chuyền bóng lại cho đội Italy. Thật không tin nổi”.

 

Ngôi sao đội tuyển Áo làm bẽ mặt Đức Quốc xã năm 1938

 

Áo là một trong những đội tuyển mạnh nhất thập niên 30, nhưng khi Đức Quốc xã xâm chiếm nước này, đội tuyển quốc gia "Wunderteam" bị ép phải rút khỏi World Cup và hợp nhất với Đức. Tuy nhiên, tiền đạo ngôi sao Matthias Sindelar phản kháng việc đất nước mất độc lập bằng cách từ chối chơi cho tuyển Đức với lý do tuổi tác.

 

Trong cuộc đấu để đánh dấu sự thống nhất hai đội, Sindelar thể hiện rõ thái độ khi ghi hai bàn thắng giúp Áo thắng Đức 2-0. Nhà sử học Đức Nils Havemann từng viết trong một cuốn sách rằng sau khi ghi bàn thứ hai, Sindelar đã nhảy múa ăn mừng trước các sĩ quan quốc xã.

 

Năm 1939, Sindelar cùng bạn gái chết vì rò khí gas tại nhà riêng. Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi đó là vụ giết người, tự tử hay chỉ là tai nạn.

 

Cầu thủ Algeria thi đấu vì độc lập dân tộc, 1958

 

Trong thời điểm giữa cuộc kháng chiến giành độc lập của Algeria, Pháp gọi một số cầu thủ người Algeria vào đội tuyển của họ để thi đấu trong World Cup. Tuy nhiên, thay vì tham dự trận giao hữu trước giải đấu với Thụy Sĩ, nhóm các cầu thủ Algeria chạy trốn khỏi Pháp, tập trung tại trụ sở của Mặt trận giải phóng quốc gia ở Tunisia và lập đội tuyển riêng.

 

Trước khi nhận lệnh triệu tập vào đội Pháp, cầu thủ người Algeria Rachid Maflouki đã cùng đội bóng của anh Saint Etiene giành chức vô địch Pháp. "Tôi không hề lưỡng lự", anh kể cho Ian Hawkey, tác giả cuốn Chân của tắc kè hoa. "Tôi hiểu sẽ phải từ bỏ câu lạc bộ. Tôi có nghĩ tới World Cup nhưng cái đó sao sánh được độc lập của tổ quốc tôi?".

 

Cầu thủ suy sụp vì sức ép từ tổng thống năm 1974

 

Được coi là một trong những khoảnh khắc hài hước nhất trong lịch sử World Cup, nhưng sự thật còn đen tối hơn thế. Đang để thua 3-0 và đứng trước cú đá phạt trực tiếp của đội Brazil, hậu vệ phải của Zaire (tên cũ của nước Congo) là Ilunga Mwepu có vẻ như quên mất luật thi đấu đã xông vào cướp bóng và đá ra xa trước khi tiếng còi vang lên.

 

Đội Báo Đốm, đội tuyển đầu tiên của khu vực Sahara vào được vòng chung kết, trước đó đã có trận thua 9-0 trước đội tuyển Nam Tư rồi thua tiếp 2-0 trước đội Scotland. Những trợ lý thân tín của Tổng thống Joseph-Désiré Mobutu tuyên bố nêu các cầu thủ để thua Brazil quá 3 bàn họ sẽ không được trở về quê nhà.

 

"Các vị nghĩ tôi cố tình biến mình thành thằng ngốc à? Các vị phải nhớ rằng chúng tôi chơi vì mạng sống của mình” Mwepu nói trong cuốn Cái chết hay Vinh quang, Lịch sử đen tối của World Cup của Jon Spurling.

 

Hành động “điên rồ” của Mwepu thực chất lại là một nỗ lực tỉnh táo để câu giờ.

 

Trận Đông Đức và Tây Đức 1974

 

Trận đấu giữa hai đội bóng này tại World Cup 1974 có lẽ là trận cầu mang tính chính trị nhất từ trước tới giờ. Dù là trận đấu cuối cùng trong bảng và hai đội chắc chắn sẽ lọt vào vòng trong, sự căng thẳng không hề giảm đi.

 

Với lợi thế sân nhà, những nhà vô địch châu Âu Tây Đức được đánh giá cao hơn, nhưng cầu thủ Jurgen Sparwasser của Đông Đức đã ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu. Đông Đức giành phần thắng, nhưng chiến thắng này mất ý nghĩa khi họ bị loại ở vòng sau còn đối thủ của họ giành chức vô địch giải đấu.

 

Argentina đổi lúa mì lấy vinh quang năm 1978

 

Chính quyền quân sự của Argentina lên nắm quyền vài năm trước World Cup 1978 đã quyết định dùng sự kiện bóng đá này để quảng bá tên tuổi. Theo bài báo của Maria Laura Avignolo đăng trên tờ Sunday Times, Anh, năm 1986 thì Argentina đã hối lộ, thậm chí dùng tới biện pháp đe dọa để giành cúp vàng. Quan điểm này cũng được tác giả David Yallop đồng tình trong cuốn Cách họ chiếm lấy giải đấu.

 

Tại vòng bảng, Argentina phải thắng Peru bốn bàn trong trận đấu cuối cùng để có thể đi tiếp. Trước trận đấu, tướng Jorge Videla được cho là đã vào phòng thay đồ của đội Peru để nói chuyện với các cầu thủ về "tình đoàn kết Mỹ Latin". Sau đó, nước chủ nhà đã thắng 6 bàn trước đội tuyển đã giữ chân Hà Lan trong một trận hoà không bàn thắng trước đó.

 

Avignolo cho biết vài tuần sau trận đấu với Peru, một chuyến tàu bất ngờ chở 35.000 tấn bột mì từ Argentina tới Lima và chính quyền quân sự ở Buenos Aires đã cho chính phủ Peru vay 50 triệu USD không tính lãi.

 

Cuộc cách mạng bóng đá của Iran năm 1998

 

Mỹ và Iran có thể là hai đội tuyển không mấy quan trọng tại France '98 nhưng trận đấu giữa họ khiến cả thế giới chú ý vì cả hai nước vốn có bất hòa từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Dù quan hệ chính trị căng thẳng, diễn biến trên sân đấu rất hòa hữu. Cả hai đội đều tôn trọng nhau hết mực, trao đổi hoa, quà tặng và chụp ảnh lưu niệm trước khi lâm trận.

 

Iran giành chiến thắng 2-1 và hàng trăm nghìn thanh niên, trong đó có cả phụ nữ, tham gia bữa tiệc đường phố trái với nguyên tắc của đạo Hồi. "Tất cả mọi người đều đổ ra đường", một thanh niên Iran nói với BBC. "Việc này đáng để cả nam và nữ tham gia ăn mừng. Trận đấu vì thế cũng mang tính chính trị vì nó thay đổi xã hội".

 

Hai miền Triền Tiên sôi sục năm 2008

 

Đội tuyển Hàn Quốc và Triều Tiên đều giành được vé tới Nam Phi 2010, nhưng trong quá trình đó không thiếu những trận cãi vã nảy lửa. Xung đột tồi tệ đến mức FIFA phải can thiệp sau khi Triều Tiên tuyên bố họ sẽ không để Hàn Quốc hát quốc ca hay kéo cờ trên lãnh thổ của mình.

 

Triều Tiên cương quyết đến mức họ sẵn sàng chơi trận "sân nhà" tại nước ngoài. Cuối cùng, trận đấu được tổ chức tại Thượng Hải, và huấn luyện viên Triều Tiên phàn nàn đối thủ đầu độc thức ăn của họ. BBC dẫn lời Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc nói các bác sĩ đã khám cho các cầu thủ Triều Tiên và không thấy vấn đề nghiêm trọng nào.

 

Ngoại giao bóng đá giữa những kẻ thù cũ

 

Tác giả người Anh George Orwell từng nhận xét thể thao là cuộc chiến không tiếng súng. Vì vậy, việc Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ dùng trận đấu để giảng hòa là một hành động đẹp. Lãnh đạo hai quốc gia đã gặp gỡ để theo dõi trận đấu loại giữa hai đội tuyển sau gần một thế kỷ cơm chẳng lành canh chẳng ngọt vì vụ người Thổ Nhĩ Kỳ giết hàng trăm ngàn người Armenia trong Thế chiến I.

 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul đã tham dự trận đấu lượt đi tại Armenia năm 2008, khi đó nước chủ nhà thua 2-0. Nhà lãnh đạo đồng cấp Serzh Sarkisian cũng đồng ý tham dự trận lượt về diễn ra trong năm tiếp theo nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao.

 

Rõ ràng việc không đội nào giành vé đến Nam Phi năm nay góp phần giữ cho mọi việc tiếp tục tốt đẹp.

(THEO DÂN TRÍ)