Khi bị giật hụi có nên kiện ra tòa?

Thứ sáu, ngày 18/10/2013

 

 Tuy nhiên, trong thời gian qua, các quan hệ nêu trên có nhiều biến tướng tiêu cực, khó kiểm soát nổi. Tình trạng vay mượn tiền, vàng, chơi hụi dưới nhiều hình thức (hụi ngày, hụi tuần, hụi tháng…), chịu lãi suất rất cao diễn ra khá phổ biến trong nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là bộ phận tiểu thương. Kết cục là các “con nợ” không có khả năng trả nợ, khả năng đóng hụi chết nên chây ì không trả hoặc có trường hợp phải bỏ trốn. Các tranh chấp loại này có thể được giải quyết bằng một vụ án dân sự hoặc bằng một vụ án hình sự theo thủ tục khác biệt. Vậy, trường hợp nào giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự?

Không khó cho việc xác định hành vi cố tình chiếm đoạt

Để tránh trường hợp hình sự hóa một quan hệ dân sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được một cách rõ ràng và cụ thể: Người vay nợ, người chơi hụi chây ì, cố ý không chịu trả nợ, không chịu đóng hụi chết nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, mặc dù có đủ điều kiện để trả nợ, thì mới được coi là phạm tội hình sự.

Theo một số điều tra viên, đối với loại án do chơi hụi, các hình thức chiếm đoạt chủ cái hụi (chủ hụi), chiếm đoạt của các nhà con (hụi viên) hoặc các nhà con chiếm đoạt của nhau thông qua chủ cái hụi. Bị coi là chiếm đoạt khi chủ hụi nhận tiền của các hụi viên đầy đủ nhưng không giao lại cho người được hốt hoặc khi hụi viên đã nhận đủ tiền do chủ giao nhưng sau đó không thực hiện nghĩa vụ đóng hụi chết. Cả hai trường hợp vừa nêu, khi nhận được tiền thì bỏ trốn hoặc tuy không bỏ trốn nhưng có tính chây ì không trả nợ hụi mặc dù họ có đủ điều kiện để trả, hoặc khi con nợ không còn khả năng  trả nợ nhưng không chứng minh được “đầu ra” một cách chính đáng và hợp pháp.

  Một Chánh án tham vấn, nếu xảy ra vụ giật hụi, những người tham gia chơi hụi đó nên đến tòa án để nộp đơn khởi kiện và lưu ý là mỗi người phải nộp một đơn khởi kiện, hồ sơ riêng để đóng án phí. Sau này, khi thụ lý xong thì tất cả mọi người có thể ủy quyền cho một người đại diện ra làm việc với cơ quan tòa án. Trong quá trình làm việc, nếu nhận thấy chủ hụi đó có dấu hiệu hình sự, bản thân thẩm phán và tòa sẽ có văn bản chuyển hồ sơ qua công an.

Thực tế hiện nay có nhiều người cho rằng sau khi Thông tư 04/TTLN ngày 8-8-1992 của liên ngành Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC), Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về nợ hụi không còn hiệu lực thì tòa án không thụ lý giải quyết những tranh chấp thuộc loại này. Theo hướng dẫn của TANDTC, các khiếu kiện về hụi phát sinh sau ngày 1-7-1996 các tòa án không thụ lý, nếu đã thụ lý thì ra quyết định đình chỉ. Tuy nhiên, hướng dẫn này cần phải được hiểu là chỉ những trường hợp khởi kiện dân sự thì mới tạm thời không thụ lý giải quyết; những trường hợp chơi hụi rồi bị chiếm đoạt, tức là có dấu hiệu vi phạm luật hình sự thì tòa án có quyền chủ động ra quyết định khởi tố vụ án hình sự rồi chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra; trường hợp cơ quan điều tra có kết luận yêu cầu truy tố, xét xử đối với loại án này thì đương nhiên tòa án phải thụ lý giải quyết.

Chỉ trả nợ gốc, nếu...

Nguyên tắc chung, khi giải quyết các tranh chấp về nợ hụi, tòa án chỉ buộc người nợ phải trả cho chủ nợ một phần tiền vốn đã bỏ ra (nợ gốc) mà không buộc người nợ phải trả cho chủ nợ một khoản lãi nào khác (nếu không có sự thỏa thuận đúng pháp luật).

Thực tế, có một số trường hợp phổ biến như sau: Chủ cái hụi chiếm đoạt của các con hụi: Ví dụ: Lê Thị N làm chủ cái hụi hàng tháng loại 500.000 đồng/phần/ tháng, có 10 người tham gia. Kỳ thứ 5 bà Y bỏ lãi 50.000 đồng, số tiền hốt được là 4.280.000 đồng. Kỳ 6 bà X bỏ lãi 80.000 đồng, số tiền hốt là 4.180.000 đồng. Bà N đã thu đủ số tiền trên của các con hụi nhưng lại không giao lại cho bà X, Y mà giữ lại nhằm chiếm đoạt. Khi đưa vụ án ra xét xử, các con hụi bị chiếm đoạt yêu cầu bà N phải trả đủ cho họ tổng cộng là 9.000.000 đồng (bao gồm cả lãi suất bỏ hụi). Vận dụng nguyên tắc nêu trên, tòa án sẽ quyết định buộc N phải trả cho họ tổng số là 8.430.000 đồng là số tiền thực tế bị cáo đã chiếm đoạt, số lãi phát sinh không thừa nhận.

Trường hợp các con hụi chiếm đoạt lẫn nhau: Nguyễn Thị T tham gia chơi hụi do bà R làm chủ cái hụi loại 100.000 đồng/phần/tháng. Có 30 suất hụi, T hốt vào kỳ thứ 5 bỏ lãi 20.000 đồng, số tiền hốt được T tiêu xài cá nhân và không chịu đóng hụi chết, thực tế là T đã “giật hụi” như vậy, tòa án xác định số tiền bị cáo chiếm đoạt của các con hụi là: (30-5). 80.000 đồng = 2.000.000 đồng (do 4 phần hụi người khác hốt trước và một phần của T không phải đóng ở kỳ 5).

Có nhiều trường hợp con hụi sau khi giật hụi thì nhà cái phải đóng thế để các con hụi khác hốt. Vấn đề là giữa hụi sống (những người chưa hốt) và hụi chết (người đã hốt hụi, phải chịu một khoản bỏ lãi) sẽ có sự chênh lệch. Số tiền chênh lệch này không được pháp luật thừa nhận nên khi giải quyết, tòa án không xem xét, mặc dù chủ cái hụi có thiệt hại thực tế khoản “đóng thế” đó. Đương nhiên sẽ có nhiều thắc mắc khiếu nại về số tiền nói trên nhưng tòa án cho rằng đó là sự tự nguyện không ép buộc của chủ hụi trong việc đóng thế, do đó không giải quyết những trường hợp như vậy.

Để tính toán một dây hụi khoảng 50 đến 60 người tham gia, cán bộ thụ lý giải quyết vụ án phải tốn rất nhiều thời gian và công sức. Trong cùng một dây hụi khi tính toán cụ thể phải thống kê chi tiết của từng cá nhân về mệnh giá phần hụi số lần đóng, số tiền ngày tháng đóng, lãi suất bỏ hụi… Lại phải xem xét từng trường hợp cụ thể về hụi áp cái, hụi sống (của người chưa hốt hụi), hụi chết (của người đã hốt hụi). Điều đó gây khó khăn không nhỏ cho những người tiến hành tố tụng. Các chứng cứ của các đương sự đưa ra thường là giấy viết tay hoặc dựa vào trí nhớ để khai nên có nhiều mâu thuẫn, thiếu rõ ràng, đòi hỏi cán bộ tòa án phải thật kiên trì, thận trọng, tỉ mỉ khi giải quyết án loại này.

 THẢO VY