Khát vọng vươn lên của công nhân lao động

Thứ tư, ngày 12/10/2016

(BDO)

Trong mỗi chúng ta ai cũng mong muốn mình sẽ có một công việc ổn định và một mái ấm gia đình hạnh phúc. Ước mơ tuy nhỏ bé nhưng đối với một số công nhân lao động (CNLĐ) là cả quãng đường dài trên con đường mưu sinh và khát vọng để họ không ngừng vươn tới mặc dù các tổ chức, các ngành, đoàn thể luôn tích cực quan tâm hỗ trợ về mọi mặt.

 Hoạt động vui chơi, giải trí tạo sân chơi lành mạnh cho CNLĐ. Trong ảnh: CNLĐ TX.Tân Uyên tham gia trò chơi đập bóng tại Chi hội nhà trọ Khánh Vân, phường Thái Hòa

Hy vọng cuộc sống khấm khá

6 giờ 30 phút, những khu nhà trọ nằm nép mình sau con hẻm dài thuộc khu phố Bình Hòa, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An vắng tiếng bước chân người qua. Những căn phòng nối tiếp được cài khóa chắc chắn trong sự cẩn trọng của từng gia chủ. Để gặp anh chị em công nhân ở đây không phải dễ bởi mọi người đều bận đi làm từ sáng sớm và tăng ca cho tới tận khuya mới trở về. Là những công nhân xa xứ, từ các miền xa vào Bình Dương lập nghiệp họ mong muốn tìm cho mình cơ hội nghề nghiệp trong các công ty, xí nghiệp để thoát khỏi cảnh ruộng vườn. Vì vậy, nhiều bạn trẻ đã sống ở đây từ rất lâu nhưng vẫn không biết đến Thành phố mới Bình Dương hay tệ hơn là người hàng xóm ở ngay phòng kế bên.

Chị Nguyễn Thị Thúy, quê Thanh Hóa cho biết: “Nhiều bạn trẻ ở quê hương tôi đều vào đây lập nghiệp. Có những xóm chỉ còn người già và trẻ nhỏ ở lại giữ quê hương. Quan điểm làm nông đối với chị là ý tưởng xa vời. Bởi làm nông khổ cực, thu nhập bấp bênh trong khi là công nhân chí ít 1 tháng trừ chi phí vẫn còn có dư để gửi về nhà”.

Sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học được một tháng, chị Phan Thị Hằng ở Quảng Nam cũng chuẩn bị hành trang vào Bình Dương làm công nhân may. Theo Hằng: “Ở quê rất nghèo, kiếm được đồng tiền là rất khó. Vào trong này em sẽ cố gắng tăng ca kiếm tiền đi học thêm tin học, Anh văn để ổn định cuộc sống”.

Theo số liệu thống kê, đa phần CNLĐ làm việc trong các công ty, xí nghiệp là lao động phổ thông, trình độ tay nghề còn hạn chế. Qua quá trình gắn bó vừa học, vừa làm họ được những người thợ lâu năm truyền nghề và trở thành công việc thuần thục của mình. Chị Vân Anh, công nhân KCN Việt Nam - Singapore so sánh: “Là công nhân xa quê khổ cực, khó khăn trăm bề nhưng so với làm ruộng ở quê thì khấm khá hơn. Nhiều bạn trong công ty tích cực tăng ca, hăng hái làm việc vào ngày chủ nhật để có thêm thu nhập làm vốn lận lưng khi mình còn sức”.

Nỗi niềm nữ công nhân

Cuộc sống luôn song hành với những lo toan đời thường, nữ công nhân xa quê vốn đã thiệt thòi lại càng chơi vơi hơn trong hành trình đi tìm một nửa của riêng mình. Cuộc sống của họ là vòng tuần hoàn cố định, sáng đến công ty, chiều về nhà trọ nên ít có cơ hội giao lưu. Mặc dù các tổ chức đoàn thể liên tục phát động, tổ chức nhiều buổi vui chơi, tọa đàm dành riêng cho CNLĐ. Nhiều bạn không muốn tham gia chỉ vì còn phải tranh thủ tăng ca kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống mưu sinh vẫn không ngừng trôi “cái tuổi đuổi cái xuân” nhiều nữ công nhân để mất tuổi xuân của mình mà không hề hay biết. Khát vọng làm vợ, làm mẹ vẫn nhem nhóm trong tâm hồn của người phụ nữ. Nhưng họ biết tìm đâu ra nửa kia của riêng mình khi tuổi đã đứng bóng.

Chị Bảo Trân, công nhân Công ty TNHH Phú Xuân tâm sự: “Tôi vào Bình Dương làm công nhân từ khi mới 20 tuổi nhưng nay đã ngoài 30 mà vẫn còn cô đơn. Muốn tìm cho mình một người chồng nhưng tìm đâu ra khi những đồng nghiệp trong công ty toàn là “phái đẹp”. Những chàng trai ở ngoài thì lấy đâu thời gian để tìm hiểu mà chắc gì họ muốn kết bạn cùng người lớn tuổi”.

Xuất phát từ thực tế, Liên đoàn Lao động tỉnh chủ động cân đối thời gian đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho CNLĐ nói chung và nữ CNLĐ nói riêng. Bằng nhiều hình thức vận động khác nhau, thông qua hệ thống tổ chức công đoàn cơ sở đã vận động giảm tiền thuê nhà trọ cho CNLĐ, quyên góp giúp đỡ nữ công nhân khi đau ốm, hiếu hỉ. Hay vào dịp lễ, tết, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí lành mạnh; thăm, tặng quà cho công nhân nữ có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện về quê ăn tết, hỗ trợ vé xe cho CNLĐ về quê đón tết… đã tạo điều kiện cho nữ CNLĐ ổn định đời sống, yên tâm sản xuất và thu xếp thời gian hợp lý để tham gia các hoạt động vui chơi giải trí. Những hoạt động ấy không chỉ góp phần động viên tinh thần mà còn nâng cao kiến thức pháp luật, sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ.

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 1 triệu lao động. Hầu hết CNLĐ đều có việc làm ổn định, thu nhập và phụ cấp của người lao động có tổ chức công đoàn từ 5,5 triệu đến 7,5 triệu đồng/người/ tháng. Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh luôn nỗ lực để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho CNLĐ, nữ CNLĐ trên địa bàn. Bên cạnh hoạt động chăm lo vật chất, hàng năm LĐLĐ tỉnh còn tổ chức hội nghị biểu dương hàng ngàn CNLĐ thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Hàng năm, các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức nhiều hoạt động tham quan nghỉ mát, giao lưu chia sẻ, học tập kinh nghiệm. Những hoạt động này không chỉ chăm lo mọi mặt mà còn tạo sân chơi lành mạnh, ý nghĩa cho CNLĐ”

KIM HÀ