Khát vọng phồn vinh, hạnh phúc- Bài 2
(BDO) Bài 2: Vươn mình cùng đất nước
78 năm kể từ mùa thu năm ấy, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng -an ninh, đối ngoại... Những thành tựu to lớn của đất nước trong gần tám thập kỷ qua có sự đóng góp tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sông Bé - Bình Dương. Với những quyết sách đột phá, sáng tạo và phù hợp, Bình Dương đã khai phóng tiềm năng, lợi thế của địa phương để trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cao nhất cả nước.
Tầm nhìn và khát khao phát triển
Những năm qua, Bình Dương luôn được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển KT-XH, nhất là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng cao so với bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp (KCN) với diện tích gần 13.000 ha và 12 cụm công nghiệp với diện tích trên 800 ha. Tỉnh đã quy hoạch xây dựng và phát triển Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ với tổng diện tích trên 4.000 ha, bao gồm các KCN công nghệ cao, khu thương mại - dịch vụ và các khu đô thị mới...
Từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành một trong những địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa; là địa phương thu hút hàng triệu người lao động từ khắp nơi đến an cư lạc nghiệp. Một hình ảnh Bình Dương năng động, phát triển như ngày nay là điều dễ nhận thấy nhưng để có được kỳ tích trong phát triển KT-XH những năm qua không phải ai cũng thấu tường. Đó là thành quả của một tầm nhìn và khát khao của các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quyết tâm đưa địa phương vượt lên nghèo nàn, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Mô hình VSIP kiểu mẫu tại Bình Dương đã được chia sẻ, lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trong ảnh: Diện mạo công nghiệp đô thị hiện đại tại VSIP I, TP.Thuận An. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Đại hội VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ trương đổi mới của Đảng đã giúp giải bài toán về phát triển kinh tế mà Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sông Bé - Bình Dương hằng trăn trở bấy lâu. Không những kịp thời vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước vào phát triển KT-XH, Bình Dương còn đẩy mạnh quan hệ quốc tế, qua đó tăng cường hợp tác kêu gọi đầu tư; đồng thời học tập kinh nghiệm để hoạch định chủ trương phát triển của tỉnh. Việc ra đời KCN kiểu mẫu Việt Nam - Singapore (VSIP I) là kết quả của quá trình thúc đẩy quan hệ quốc tế từ rất sớm của tỉnh. Song song đó, tỉnh luôn chú trọng cải cách hành chính, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến sản xuất, kinh doanh.
Nấc thang phát triển mới
Sau hàng chục năm thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, Bình Dương hôm nay đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển chung của vùng và cả nước. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi nền kinh tế của tỉnh nói chung và lĩnh vực công nghiệp nói riêng cần có sự chuyển đổi phù hợp nhằm tạo nên những đột phá mới, bền vững hơn.
ĐẾN NAY, BÌNH DƯƠNG ĐÃ HÌNH THÀNH 29 KCN VỚI DIỆN TÍCH GẦN 13.000 HA VÀ 12 CỤM CÔNG NGHIỆP VỚI DIỆN TÍCH TRÊN 800 HA. TỈNH ĐÃ QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KHU LIÊN HỢP CÔNG NGHIỆP - ĐÔ THỊ - DỊCH VỤ VỚI TỔNG DIỆN TÍCH TRÊN 4.000 HA, BAO GỒM CÁC KCN CÔNG NGHỆ CAO, KHU THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ VÀ CÁC KHU ĐÔ THỊ MỚI... |
Để thực hiện mục tiêu trong chặng đường phía trước, tỉnh đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nên những xung lực mới để thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời thực hiện cơ cấu lại và nâng cao chất lượng ngành công nghiệp thông qua việc xây dựng bộ tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước phù hợp. Mặt khác, tỉnh đã nghiên cứu định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp (bao gồm cả hiện hữu và quy hoạch mới) theo hướng công nghiệp công nghệ cao, xanh, bảo vệ môi trường, thông minh, ít thâm dụng lao động, ít thâm dụng đất đai, ít thâm dụng năng lượng, ưu tiên sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Một trong những “hành lang” mở ra cơ hội phát triển đột phá cho tỉnh trong thời gian tới chính là Nghị quyết số 24-NQ/ TW, ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngay khi nghị quyết được ban hành, tỉnh đã chủ động bám sát các nhiệm vụ, giải pháp để bổ sung vào các chương trình, nghị quyết thực hiện mục tiêu phát triển. Đặc biệt, tỉnh tập trung đầu tư hoàn chỉnh các công trình trọng điểm kết nối vùng và liên vùng như các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành; mở rộng Quốc lộ 13, cảng An Tây...
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển KT-XH, Bình Dương cũng tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương. Với định hướng phát triển phù hợp và bằng những nỗ lực của chính mình, tỉnh đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ và là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (IFC). Liên tục trong 5 năm 2019-2023, Bình Dương được ICF vinh danh là một trong 21 thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới - SMART 21. Đặc biệt, tỉnh đã được ICF vinh danh lọt vào Top 7, là một trong 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu thế giới trong 3 năm liên tiếp 2021-2023.
Với khát vọng mới, động lực mới và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng Bình Dương sẽ vượt qua những thử thách để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, là đô thị thông minh, nghĩa tình và trở thành nơi đáng sống…
(Còn tiếp)
TRÍ DŨNG