Khát khao con chữ ở làng bè Dầu Tiếng
(BDO) Có một lớp học chỉ vỏn vẹn 17 học sinh, các em ở nhiều độ tuổi khác nhau, em nhỏ nhất 6 tuổi, lớn nhất 14 tuổi. Dù tuổi tác có chênh lệch nhưng tất cả các em đều khát khao học để biết đọc, biết viết, để hòa nhập vào cuộc sống đang cuồn cuộn phát triển như hiện nay. Đó là lớp học xóa mù chữ cho trẻ em làng bè xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng.
Trẻ em làng bè vui mừng được đến lớp
Ước mơ đến trường
Lớp học xóa mù chữ cho trẻ em tại làng bè ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa được mở tại nhà ông Tăng Quang Hải và khai giảng vào tháng 9 vừa qua. Ngày chúng tôi đến thăm lớp, nhìn cảnh các em nắn nót viết từng chữ cái mới thấy đáng yêu làm sao! Đã quá 11 giờ, nhưng các em vẫn cố ngồi nán lại để tập viết thêm. Em Huỳnh Thị Bền khoe với tôi: “Cô ơi, em viết được tên em rồi. Nay em viết chữ đẹp hơn những ngày trước, được thầy giáo khen, em vui lắm”. Các em 13 - 14 tuổi như Lê Thị Hồng Cẩm, Nguyễn Thị Oanh, không hề tỏ ra mặc cảm khi tuổi đã lớn nhưng mới học vỡ lòng. Bởi với các em, được học tập là khát khao lớn mà nay mới thành hiện thực. Em Oanh chia sẻ: “Ngày hay tin mở lớp học, đứa nào cũng mừng rỡ. Còn em, do đã lớn tuổi mới tập cầm viết, ban đầu tay còn “khờ” lắm, nhưng em quyết tâm phải biết viết, biết đọc nên về nhà em tập viết thêm, nay chữ viết tròn trịa hơn”.
Thầy Nguyễn Văn Thiết, cầm tay các em nắn nót từng con chữ
Từ khi biết viết, trong số những trò chơi của các em giờ đây có thêm trò đố chữ. Với 24 chữ cái cũng đủ làm niềm vui các em vỡ òa khi viết đúng, hoặc trêu những bạn viết chữ còn ngệch ngoạc, viết sai, để rồi các em rèn luyện thêm để viết chữ đẹp hơn. Rõ ràng, với các em này “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thật vô cùng ý nghĩa. Vậy nên chưa tới giờ học các em đã rời bè, rủ nhau leo lên vỏ lãi vô bờ đến lớp. Em Oanh khoe, ngoài được dạy chữ, các em còn được thầy dạy nhiều bài hát thiếu nhi. Ngày chúng tôi đến thăm, cả lớp đồng thanh hát tặng bài “Bốn phương trời” một cách say sưa.
Người phụ trách lớp xóa mù này là thầy Nguyễn Văn Thiết, giáo viên trường Tiểu học Hòa Lộc. Khoảng cách từ nhà thầy ở ấp Hòa Cường đến lớp học là 15km, trong đó có 3km đường đi gập ghềnh, mùa mưa càng khó đi hơn. Song với quyết tâm xóa mù cho các em, đều đặn mỗi tuần 3 buổi thầy đến với các em và dạy bằng cả lòng nhiệt huyết của người chèo lái con đò tri thức. Không chỉ dạy chữ, thầy còn dạy các em đạo đức, lễ nghĩa. Kể từ khi đến với lớp học, các em đã tiến bộ hẳn, biết kính trên, nhường dưới và đoàn kết, thương yêu nhau hơn.
Không để các em lênh đênh theo dòng nước
Với học sinh ở các địa phương, đến tuổi đi học đều được đến trường, đó là lẽ đương nhiên, nhưng với các em này, hành trình đi tìm kiến thức không hề đơn giản. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ 17 học sinh trên chưa biết đọc, biết viết bởi nhiều năm nay các em theo cha mẹ sống lênh đênh trên sông nước. Đây là những hộ gia đình gốc Việt nhưng trước kia mưu sinh ở Campuchia, do cuộc sống tha hương khó khăn họ đã trở về quê sinh sống. Do nghèo khó không có đất đai, nhà cửa, họ phải sống trên bè ngày này qua tháng nọ. Những hộ này sống bằng nghề chài lưới, cào hến trên sông. Từ chỗ sống rày đây, mai đó nên họ chưa có hộ khẩu, cũng như chưa làm giấy khai sinh cho con. Do ít được tiếp xúc với bên ngoài, nhận thức hạn chế, cùng với điều kiện sống như hiện tại, đến nay con em họ chưa được đến trường. “Trong thời đại phát triển như hiện nay không thể để các em mù chữ. Dù các em từ các địa phương khác đến, nhưng trách nhiệm của ngành là lo cho các em có kiến thức”, thầy Tạ Tấn Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đạo tạo huyện đã nói như vậy.
Sau buổi học, các em lên vỏ lãi trở về nhà là những chiếc bè ở phía xa
Còn nhớ ngày khai giảng lớp học, thầy Tuấn đã động viên phụ huynh cố gắng cho con em học chữ, bởi chỉ có kiến thức thì tương lai các em mới không bấp bênh. Theo thầy Tuấn, trước mắt ngành giúp các em xóa mù chữ, thời gian từ 3 - 6 tháng tùy vào sự tiến bộ của các em, sau đó ngành tạo điều kiện tối đa để các em ra học tại trường Tiểu học Hòa Lộc. Thực tế hiện tại có một số em gia đình có điều kiện đã cho con em học ở các trường phổ thông. Đối với những em chưa có khai sinh ngành vẫn tiếp nhận, đồng thời phối hợp với địa phương can thiệp giúp các em được cấp giấy tờ hợp lệ để tiếp tục đến trường.
Duy trì lớp học để các em có được tương lai tươi sáng hơn, đây không chỉ là quyết tâm của các ngành, các cấp, mà còn là nguyện vọng của các em ở làng bè. Nói với tôi lý do đi học trễ, em Cẩm rươm rướm nước mắt: “Vì ba em mất sớm, hàng ngày cứ 3 giờ sáng em theo mẹ đặt lợp bắt tép, bữa có bữa không, nên em không được đi học. Hàng ngày nhìn các bạn được đi học em tủi thân lắm. Nhờ chắt chiu dành dụm được chút ít tiền, mẹ đã mua được miếng đất cất căn nhà tạm để mấy mẹ con ở. Từ nay em được sống trên bờ, hy vọng sau khi được học lớp xóa mù chữ, em sẽ được ra học ở trường chính như các bạn”. Khi được hỏi về tương lai, những em lớn tuổi đều có ước muốn sau này làm công việc khác ổn định hơn, không vất vả như cha mẹ các em bây giờ. Đơn cử, em Nguyễn Thị Trang, 13 tuổi ước mơ tương lai sẽ làm cô giáo và em đang cố gắng chăm chỉ học tập để sau này hiện thực hóa ước mơ của mình.
Để các em sớm được xóa mù chữ, phải kể đến sự tận tụy của thầy Thiết. Thầy nhận xét, qua 4 tuần học, đa số các em có cố gắng và thích đi học. Tuy nhiên, trong số 17 em hiện tại có 6 em chậm tiến bộ nên thầy phải kèm sát từng em. Với những em này, hàng ngày thầy luân phiên cầm tay tập cho từng em biết viết. “Dù khó khăn đến mấy, tôi vẫn cố gắng bám lớp học, xóa mù chữ cho các em. Mong muốn các em sớm đọc thông, viết thạo để học hòa nhập với các bạn khác và xa hơn là tương lai các em được tươi sáng hơn”, thầy Thiết tâm sự.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, cho biết không để cuộc đời các em cứ mãi lênh đênh trên sông nước, đó chính là quyết tâm từ lãnh đạo tỉnh đến UBND huyện Dầu Tiếng, xã Minh Hòa và các ngành có liên quan. Các ngành, các cấp đã tạo mọi điều kiện, cấp kinh phí để duy trì lớp học. Còn các em được cấp sách vở, được tặng quà bánh, giúp các em càng thêm phấn khởi đến lớp.
A.SÁNG