Khảo sát Tình hình ứng dụng thương mại điện tử tại doanh nghiệp trên địa bàn
Từ tháng 7-2016, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Thông tin kinh tế tỉnh Bình Dương đã triển khai khảo sát trên 1.000 doanh nghiệp (DN) trên 11 lĩnh vực, ngành nghề. Qua kết quả khảo sát, trung tâm đã nắm được thực trạng ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) của DN, để từ đó xây dựng chiến lược thực hiện chương trình TMĐT thời gian tới, nhằm nâng cao chỉ số TMĐT của tỉnh và năng lực hội nhập quốc tế của DN.
(BDO)
Tỷ lệ DN trả lời Khảo sát theo loại hình DN
I. Về kết cấu và nội dung của khảo sát
Cuộc khảo sát được thực hiện theo hình thức thu thập thông tin từ các DN thông qua Phiếu khảo sát.
Phiếu khảo sát được thiết kế với 5 phần cơ bản, bao gồm:
- Phần thông tin chung về DN trả lời khảo sát.
- Phần tình hình triển khai TMĐT của DN.
- Phần các khó khăn liên quan đến việc triển khai TMĐT.
- Phần tầm quan trọng của các yếu tố liên quan đến việc triển khai ứng dụng TMĐT.
- Phần về các chương trình hỗ trợ do Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Dương tổ chức.
Trừ phần thứ năm (thông tin chung về DN), các phần nội dung chính của Phiếu khảo sát được thiết kế thành các câu hỏi với các lựa chọn trả lời để tìm hiểu thông tin từ DN về các vấn đề phục vụ trực tiếp việc điều chỉnh, hoàn thiện hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ DN nói chung và Trung tâm Xúc tiến thương mại nói riêng.
Cụ thể, cuộc khảo sát tập trung tìm hiểu thông tin về nhu cầu DN từ các khía cạnh sau:
Tình hình triển khai TMĐT của DN
Các thông tin thu được từ các câu hỏi liên quan đến vấn đề này sẽ cho phép trung tâm xác định được mức độ triển khai (của cộng đồng DN trong tỉnh) về TMĐT trong thời gian qua và một phần lý do của hiện trạng triển khai các ứng dụng.
Điều này giúp đánh giá được một phần quan trọng hiệu quả của các hoạt động ứng dụng TMĐT trong quá khứ đối với cộng đồng DN nói chung, ít nhất từ góc độ khả năng tiếp cận các nhóm đối tượng mục tiêu.
Đồng thời, các thông tin này cũng chỉ ra một phần nguyên nhân của hiện trạng này (bao gồm cả các nguyên nhân chủ quan từ phía trung tâm hoặc nguyên nhân khách quan từ bên ngoài). Đây là những yếu tố quan trọng giúp trung tâm nói chung và Sở Công thương nói riêng điều chỉnh chiến lược phát triển phù hợp hơn, hướng tới phục vụ nhiều DN hơn.
Các khó khăn liên quan đến việc triển khai TMĐT - Tầm quan trọng của các yếu tố liên quan đến việc triển khai ứng dụng TMĐT
Việc tìm hiểu các khó khăn và tầm quan trọng trong việc triển khai TMĐT là một phần quan trọng để trung tâm có cái nhìn khách quan hơn trong việc đề ra các chính sách hỗ trợ ngày càng hiệu quả cũng như góp phần nhỏ vào sự phát triển chung của TMĐT tỉnh nhà. Hơn thế nữa, phương thức này cũng đóng góp trực tiếp vào khả năng cải thiện hiệu quả và chất lượng dịch vụ trong tương lai.
Đây là lý do để việc khảo sát tập trung làm rõ đánh giá khả năng và năng lực của các DN về việc triển khai ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh. Những thông tin này là rất hữu ích cho trung tâm trong định hướng phương thức cung cấp dịch vụ ưu tiên trong tương lai.
Về các chương trình hỗ trợ do Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Dương tổ chức
Thông tin thu được từ phần này của cuộc khảo sát cho phép đánh giá thực chất, trực tiếp và khách quan về chất lượng hoạt động của trung tâm từ góc nhìn của các đối tượng thụ hưởng.
Đây là yếu tố rất quan trọng để trung tâm xác định được hiệu quả hoạt động của mình một cách chính xác nhất, thay vì những đánh giá chủ quan chung chung (ví dụ tự mình đánh giá mình) hoặc bị tác động bởi các yếu tố văn hóa - quan hệ (ví dụ các đánh giá trực tiếp của đối tượng thụ hưởng mà vì phép lịch sự hoặc giao tiếp không thể hiện chính xác, khách quan ý kiến thực sự của họ).
Tiêu chí lớn nhất của trung tâm là phục vụ, hỗ trợ hiệu quả cho DN trong hội nhập. Vì vậy, nhu cầu hỗ trợ trong tương lai của các đối tượng này được xem là một trong các nhân tố cơ bản trong các cân nhắc về định hướng hoạt động hỗ trợ DN của yrung tâm này trong thời gian tới.
Khảo sát tìm hiểu nhu cầu trong tương lai này của các DN không chỉ ở các chủ đề, nội dung họ quan tâm mà còn cả các phương thức cung cấp mà DN cho rằng thuận tiện và hiệu quả đối với họ.
Một lưu ý chung là trong khi khảo sát là cố gắng khai thác tối đa các thông tin từ DN về nhu cầu của họ đối với các hỗ trợ về ứng dụng TMĐT từ Trung tâm Xúc tiến thương mại Bình Dương, các kết quả này chỉ phản ánh nhu cầu hỗ trợ của các DN, chưa bao gồm nhu cầu của các nhóm chủ thể khác (các hiệp hội DN, người lao động, người tiêu dùng…).
Vì vậy, kết quả khảo sát này không bao quát toàn bộ các nhu cầu của xã hội đối với các dịch vụ hỗ trợ về TMĐT của Trung tâm Xúc tiến thương mại Bình Dương. Và do đó, việc sử dụng các kết quả này để định hướng hoạt động của trung tâm chỉ giới hạn ở các khía cạnh có liên quan tới DN.
II. Về các DN tham gia khảo sát
1.Ngành nghề của DN
Khảo sát được tiến hành với các DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại hàng hóa thuộc 11 ngành nghề: Công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, khoáng sản, xây dựng, bất động sản, nông, lâm, thủy sản, vận tải, giao nhận, bán buôn, bán lẻ, y tế, giáo dục, đào tạo, giải trí, du lịch, ăn uống, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, truyền thông.
Đây là các ngành nghề thuộc nhóm sản phẩm tiêu biểu có năng lực cạnh tranh hoặc có khả năng ứng dụng TMĐT tương đối cao của Bình Dương, cả trong lĩnh vực sản xuất hàng công nghiệp và nông sản và khu vực nông thôn.
Là một trong những tỉnh xuất siêu của Việt Nam, những ngành này được suy đoán là có cơ hội để nhận lợi ích nhiều nhất, trực tiếp từ việc ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc tìm hiểu xem các DN này có nhu cầu hỗ trợ như thế nào từ trung tâm để tận dụng tốt nhất các cơ hội từ hội nhập này là rất có ý nghĩa trong việc điều chỉnh hoạt động và hoàn thành sứ mạng của trung tâm, cho triển vọng kinh doanh của các DN liên quan cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung.
2. Tính đại diện của DN
Khảo sát tiến hành với các DN Việt Nam thuộc tất cả các loại hình DN (DN tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần).
DN được lựa chọn khảo sát không phân biệt nguồn gốc vốn chủ sở hữu của DN, tức là bao gồm cả DN tư nhân, DN có một phần hoặc toàn bộ vốn Nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với nhóm DN trong nước (bao gồm DN 100% vốn tư nhân, DN mà Nhà nước có vốn chi phối, DN có vốn tư nhân chiếm đa số).
Đây là nhóm được xem là trọng tâm của khảo sát, với suy đoán rằng nhóm này có ít kinh nghiệm, đặc biệt trong các vấn đề có liên quan tới chính sách, pháp luật TMĐT phức tạp và hầu như xa lạ và vì vậy có nhu cầu lớn đối với các hỗ trợ về TMĐT nói chung.
Đối với nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài (100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc DN liên doanh): “Khối ngoại” này được suy đoán là có kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực TMĐT và có hiểu biết cũng như năng lực tận dụng các cơ hội cao hơn hẳn các DN Việt Nam và do đó nhu cầu của nhóm này đối với các hỗ trợ của trung tâm, nếu có, có thể không giống với nhu cầu của các DN nội địa.
Công ty cổ phần chiếm tỷ lệ nhiều nhất (39%), kế đến là DN tư nhân (28,6%), Công ty TNHH (16%), DN Nhà nước (9,5%). Công ty có vốn nước ngoài chiếm tỷ lệ ít nhất (6,6%).
Về địa bàn, cuộc khảo sát được tiến hành với các DN tại 8 huyện, thị và thành phố với số mẫu được lựa chọn ngẫu nhiên tỷ lệ thuận với số lượng DN hoạt động trong 11 lĩnh vực ngành nghề tại từng địa phương.
Do đó, 1000 DN tham gia trả lời khảo sát có thể xem như có tính đại diện tương đối cho ý kiến của các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Và vì vậy, bức tranh về nhu cầu của DN đối với các hỗ trợ phục vụ TMĐT nói chung và hỗ trợ từ trung tâm nói riêng thu được từ kết quả khảo sát cũng được suy đoán là khá toàn diện, phản ánh sát thực tế nhu cầu của các DN.
Bảng tổng hợp số lượng DN phản hồi khảo sát theo huyện, thị và thành phố
Tỷ lệ DN theo số lượng lao động thường xuyên
Số nhân viên có liên quan đến các hoạt động TMĐT
Các hoạt động ứng dụng TMĐT DN đã triển khai
Ý định triển khai các ứng dụng TMĐT