Khảo sát, tìm cách “cởi trói” cho các công trình giao thông
Bài 2: Đường ĐT741 còn nhiều bất cập!
Đường ĐT741 cũng là tuyến huyết mạch kết nối huyện Phú Giáo, các khu dân cư; các khu cụm công nghiệp phía Bắc tỉnh với trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh. Ngoài ra, tuyến đường này còn đáp ứng yêu cầu về quốc phòng - an ninh cho tỉnh Bình Dương nói riêng và cả khu vực nói chung. Tuy nhiên, cũng như đường ĐT744, con đường này còn nhiều bất cập trong quá trình thi công cần sớm được giải quyết... Đoàn khảo sát ghi nhận những bất cập trong thi công giữa đường điện trung thế và điện chiếu sáng
Vướng cả dưới đất, lẫn trên trời!
Ngay khu vực đầu tuyến là ngã tư Sở Sao thuộc địa phận TX.TDM người đi đường dễ dàng nhận thấy cảnh tượng phong tỏa một bên đường với bề bộn biển báo, phương tiện thi công và nhà dân đang tháo dỡ. Đại diện chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng cao VRG, cho biết: “Nhìn thấy cảnh tượng ngổn ngang như vậy với người khác thì có thể không vui, nhưng với chúng tôi thì phấn khởi, vui mừng vì sắp có mặt bằng để thi công. Nhờ địa phương và các ngành chức năng kiên trì vận động, thuyết phục nên bà con đã đồng ý bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện để công ty thi công, sớm hoàn thành công trình. Tuy nhiên, đoạn tiếp giáp với cua Mội Nước tuy không có nhà cửa, nhưng lại vướng nên mặt đường chỉ thi công được một nửa, xe cộ qua đây phải chạy lấn sang phần đường bên kia rất nguy hiểm”.
Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải, toàn bộ công trình này có 1.544 hộ được kê biên áp giá đền bù, trong đó có 1.533 hộ đã nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng với tổng số tiền đã chi trả gần 51,2 tỷ đồng. Còn lại 11 hộ tiếp tục có đơn khiếu nại, yêu cầu bồi thường đất nằm trong hành lang bảo vệ đường bộ. Trong số đó, TX.TDM có 5 hộ, huyện Bến Cát 5 hộ và huyện Tân Uyên 1 hộ. Các hộ này không chỉ khiếu nại đòi bồi thường đất nằm trong hành lang bảo vệ đường bộ mà còn phát sinh thêm nhiều yêu cầu như tách các hồ sơ đền bù hay đã giải tỏa thì giải tỏa trắng chứ không còn đất để lùi nhà...! Đại diện chủ đầu tư, cho biết: “Trong số các hộ nói trên có 1 hộ yêu cầu được giải tỏa trắng vì phần đất còn lại quá hẹp, không đủ để cất nhà. Xét thấy yêu cầu của chủ hộ hợp lý, Hội đồng giải tỏa đền bù chấp nhận phương án giải tỏa trắng, nhưng khi áp giá đền bù theo thỏa thuận thì chủ hộ lại không đồng ý vì phần kê biên còn thiếu... cái móng nhà được xây dựng rất kiên cố”! Mặc dù đã nhiều lần thương lượng, kết hợp với vận động, thuyết phục nhưng chủ hộ vẫn không đồng ý, đến khi Hội đồng đền bù giải tỏa cho xe chuyên dụng đến để kiểm tra thực tế, lập biên bản đền bù thì chủ hộ nhẹ nhàng trả lời: “Thôi thì cứ làm theo trước đây cho khỏi mất công, gia đình chịu thiệt chút đỉnh cũng không sao”!
Đón đoàn khảo sát dừng lại nơi đang thi công hệ thống đèn chiếu sáng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH VRG Nguyễn Văn Thái, trình bày: “Đây là đoạn bị vướng trên trời mà chúng tôi phải thay đổi thiết kế và biện pháp thi công vì khoảng cách giữa đường điện trung thế với đèn chiếu sáng rất gần, nếu không điều chỉnh sẽ xảy ra hiện tượng phóng điện rất nguy hiểm, có thể gây chết người”!
Khó khăn còn ở phía trước
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Trần Bá Luận, công trình đường ĐT744 có chiều dài 49,67km, điểm đầu tại ngã tư Sở Sao, điểm cuối giáp tỉnh Bình Phước. Đây là tuyến đường huyết mạch nối liền các tỉnh Tây nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần mở rộng liên kết giữa các DN Bình Dương, Bình Phước, Tây nguyên. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, rút ngắn thời gian đáng kể cho các phương tiện từ TX.TDM đi Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên; kết nối các khu dân cư các khu cụm công nghiệp phía Bắc tỉnh với trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh; nâng cao giá trị sử dụng đất hai bên tuyến đường, tạo bộ mặt khang trang cho đô thị Bình Dương, khắc phục tình trạng ngập úng trên toàn tuyến. Ngoài ra, tuyến đường còn đáp ứng yêu cầu về quốc phòng - an ninh cho tỉnh Bình Dương nói riêng và cả khu vực nói chung.
Do công trình có quy mô lớn, kéo dài gần 50km nên việc đầu tư được chia thành 2 giai đoạn theo hình thức BOT. Giai đoạn I có chiều dài 28,67km, từ ngã ba Cổng Xanh đến giáp ranh tỉnh Bình Phước. Dự án này đã cơ bản hoàn thành và đã đưa vào hoạt động từ nhiều năm trước. Giai đoạn II của dự án có chiều dài 21km từ ngã tư Sở Sao (TX.TDM) đến ngã ba Cổng Xanh, được khởi động từ năm 2008. Đến nay, giai đoạn II của dự án nếu xét trên toàn tuyến thì đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn vướng 11 hộ như đã nêu trên. Việc kéo dài thời gian thi công sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, gây khó khăn cho chủ đầu tư, giá thành công trình đội lên nhiều lần so với dự toán ban đầu; giá đền bù tăng làm tăng tổng mức đầu tư...
Vấn đề khiếu nại kéo dài làm chậm tiến độ thi công công trình ít nhiều có trách nhiệm của phía chủ đầu tư và chính quyền địa phương, bởi theo ông Nguyễn Văn Thái, nếu chủ đầu tư làm chưa hết trách nhiệm, cơ quan Nhà nước thiếu quan tâm thì việc khiếu nại, đòi hỏi của bà con là phù hợp. “Nhà tôi cũng ở trên tuyến đường này và cũng bị giải tỏa nên tôi rất thấu hiểu. Nếu chủ đầu tư, chính quyền địa phương các cấp đều phối hợp tốt từ tuyên truyền vận động, kiểm kê, áp giá đền bù công khai, đúng quy định thì không có lý do gì để người dân phải khiếu nại, đòi hỏi thêm...”, ông Thái nói.
Kỳ tới: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn có mặt bằng là thi công ngay!
DUY CHÍ