Khao khát tìm gặp mẹ cha
Có những câu chuyện buồn thấu ruột gan, có những nỗi đau đến xé lòng và có những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ tại các trung tâm bảo trợ xã hội luôn khát khao tìm gặp cha mẹ ruột của mình. Quá khứ của nhiều em là một ẩn số chưa có lời giải qua những ký ức mơ hồ thời thơ ấu. Càng trưởng thành, càng hiểu biết, nỗi khát khao tìm hơi ấm cha mẹ trong các em càng cháy bỏng.
Cũng như bao đứa trẻ khác, khát khao tìm gặp lại cha mẹ vẫn luôn cháy bỏng trong Nguyễn Văn Điền
Những mảnh đời cơ nhỡ
Chúng tôi trở lại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh (phường An Thạnh, TP.Thuận An) lần này không phải để mang quà, sữa cho các em mà là muốn được nghe các em trải lòng. Nguyện vọng của đa số trẻ mồ côi, cơ nhỡ nơi đây là được “lên báo” với hy vọng mong manh ở một nơi nào đó cha mẹ của các em sẽ đọc được thông tin rồi đến đón các em trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình. Để thỏa nỗi khát khao tìm gặp lại cha mẹ ruột hay chỉ đơn giản là người thân của những tâm hồn mong manh nơi đây, chúng tôi đặt bút viết mà lòng luôn khắc khoải một nỗi ngóng trông, mong cho các em có ngày đoàn tụ.
Xe dừng chân trước cổng trung tâm, khung cảnh nơi đây bao nhiêu năm vẫn thế, chẳng đổi thay là mấy nhưng chúng tôi dễ dàng nhận thấy những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ nơi đây đang lớn lên và đổi thay từng ngày. Còn gì đau buồn hơn những đứa trẻ mất đi bàn tay chăm lo của cha, sự ân cần dạy dỗ của mẹ. Ấy vậy mà ở trung tâm đã có đến 56 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, mất đi vòng tay yêu thương của cha mẹ. Trong số các em ấp ủ tâm nguyện tìm gặp lại cha mẹ ruột của mình, em Nguyễn Văn Điền, sinh năm 2006 đã để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm.
Điền vào trung tâm lúc còn là đứa trẻ khoảng 8 - 9 tuổi, người đen nhẻm, quần áo xộc xệch, không tên, không tuổi, không giấy khai sinh. Hồ sơ của em ngoài thông tin tiếp nhận từ công an địa phương còn có thêm dòng chữ “trẻ lang thang, không nơi nương tựa”. Cái tên Nguyễn Văn Điền là do các cán bộ, nhân viên đặt cho em vào ngày em đến nương nhờ ở trung tâm. Điền ngoan ngoãn, lễ phép nhưng luôn giấu những giọt nước mắt vào trong để khôn lớn, thành người.
CHIM CÓ TỔ, NGƯỜI CÓ TÔNG”. Ở ĐỜI CÓ AI LẠI KHÔNG MONG MỎI TÌM VỀ NGUỒN CỘI. CUỘC SỐNG MUÔN MÀU, KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG NHƯ Ý, CÓ NHỮNG ĐIỀU BẤT NHƯ Ý NHƯNG LẠI CÓ CẢ NHỮNG ĐIỀU BẤT NGỜ. DẪU BIẾT RẤT KHÓ TÌM NHƯNG NHỮNG ĐỨA TRẺ MỒ CÔI TẠI TRUNG TÂM VẪN LUÔN HY VỌNG MỘT NGÀY KIA SẼ TÌM LẠI CHA MẸ RUỘT CỦA MÌNH. |
Nay Điền đã là một thanh niên lực lưỡng, cao to, nước da bánh mật và khá điển trai. Hàng ngày ngoài việc học tập, rèn luyện theo lịch của trung tâm, em còn làm phụ bếp cho các nhân viên nhà ăn. Những công việc lặt vặt ở bếp khiến cho Điền trở nên tháo vát, nhanh nhẹn. Nhìn đôi bàn tay của em thoăn thoắt lúc chia thức ăn, lúc lại nhặt rau, rửa đồ nào ai biết trong em đầy ắp những suy tư.
Chúng tôi đứng bên hiên cửa nhà bếp, trời bắt đầu đổ mưa. Những cơn mưa bất chợt của đất trời càng làm cho tâm hồn những đứa trẻ thêm se lạnh. Trong căn phòng của trung tâm, ngẫm nghĩ lại quãng thời gian của quá khứ, Điền lại rơm rớm, dù nước mắt không chảy thành dòng. Hàng loạt câu hỏi trong tâm trí em cứ hiển hiện ra, tắc nghẹn không nói thành lời. Rồi nước mắt em chảy dài. Em trấn an mình không được khóc mà nỗi tủi hờn cố cựu trong tâm hồn lại cứ thế trào dâng. Chưa bao giờ mong muốn tìm cha mẹ, người thân của Điền lại mãnh liệt như lúc này.
Cô Hứa Thị Thu Tâm, Trưởng phòng Chăm sóc khẩn cấp và dài hạn, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh cất lời như xóa đi không khí trĩu nặng lòng người: “Những đứa trẻ của chúng tôi là vậy. Đứa nào cũng bị ba mẹ, gia đình bỏ rơi. Thử hỏi ai không tủi hờn cho được. Ban ngày cuộc sống đẩy đưa, cười cười, nói nói, vui vẻ nhưng đêm xuống là lúc những đứa trẻ mồ côi sống thật với cảm xúc của mình, khóc nấc không thành tiếng, rồi có những đêm thức trắng, gặm nhấm nỗi buồn trong cô độc. Chúng tôi, những cán bộ, nhân viên trung tâm thấu hiểu các em nhưng luôn tôn trọng những giây phút riêng tư và để các em mạnh mẽ đứng lên để vượt qua số phận”.
Khát khao từ những ký ức vụn vặt
“Chim có tổ, người có tông”. Ở đời có ai lại không mong mỏi tìm về nguồn cội. Cuộc sống muôn màu, không phải lúc nào cũng như ý, có những điều bất như ý nhưng lại có cả những điều bất ngờ. Dẫu biết rất khó tìm nhưng những đứa trẻ mồ côi tại trung tâm vẫn luôn hy vọng một ngày kia sẽ tìm lại cha mẹ ruột của mình. Niềm mong mỏi ấy ngày càng lớn dần cùng với những nỗi chạnh lòng khi thấy những đứa trẻ đồng trang lứa sống yên ấm trong vòng tay cha mẹ.
Chúng tôi hòa cùng ký ức mờ nhạt, vụn vặt của Điền khi em kể về những con đường không tên với hàng quán san sát nhau, lúc thì ngủ ở vỉa hè, lúc lại bán vé số tự nuôi thân, lúc lại ở chỗ mấy chú công an. Em nhớ được rằng: Cha mẹ sống ly thân, mẹ mang 3 anh em (em, 1 anh trai và 1 chị gái) về ở với bà ngoại. Nhà bà ngoại làm bằng gỗ, lâu lâu bà ngoại mua gà quay về rồi cả nhà ăn dưới bếp. Em còn nhớ rõ mồn một những tia nắng chiều xuyên qua khe cửa lọt vào bếp. Một hôm em đã lấy chiếc xe đạp của bà ngoại đi, rồi đi luôn cho đến nay. Em không biết bây giờ bà ngoại ra sao, mẹ như thế nào, anh trai và chị gái đang ở đâu, làm nghề gì.
“Hồi đó em còn nghĩ có giây phút nào gia đình nghĩ tới em hay không? Thế là em trách móc mẹ, trách bà ngoại sao không đi tìm em! Giờ thì em không còn trách nữa, chỉ mong ai biết được thông tin liên quan đến em, xin hãy liên lạc với các cô chú trong trung tâm để em còn được về nhà”, nói đến đấy, Điền bỗng òa khóc như đứa trẻ lạc gia đình năm xưa.
Những ngày đến Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh, chúng tôi vẫn thấy các nhân viên nơi đây thỉnh thoảng lại đi lục tàng thư, ngày ngày vẫn lên kế hoạch đến các địa phương trong và ngoài tỉnh để xác minh, tìm kiếm thông tin liên quan đến những đứa trẻ mà trung tâm tiếp nhận. Bà Trần Thị Bé, Trưởng phòng Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh, chia sẻ: “Công tác xác minh, tìm kiếm thông tin gia đình, người thân của trẻ mồ côi, cơ nhỡ được trung tâm đặc biệt quan tâm. Dù đó là một cái tên, một địa chỉ hay chỉ là những hình ảnh trong trí nhớ non nớt của các em, tất cả đều được các cán bộ, nhân viên tiếp nhận, tìm kiếm kỹ lưỡng. Tuy nhiên, những trường hợp tìm được người thân chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng không vì thế mà hết hy vọng, công tác tìm kiếm vẫn được trung tâm kiên trì thực hiện. Cán bộ, nhân viên trung tâm vẫn miệt mài xác minh với mong mỏi lớn nhất là các em sớm được đoàn tụ cùng gia đình”.
Rời trung tâm và chia tay các em nơi đây, trong tâm trí chúng tôi vang lên những câu ca như lưỡi dao cứa vào tâm can: “Cha ơi, cha ở đâu/Mẹ ơi, mẹ ở đâu? Mưa rơi, ôi lạnh quá/Gió buốt từng cơn/Con nằm bơ vơ/ Nằm mơ một mái nhà/Có mẹ và có cha”. Quá khứ của các em, những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh vẫn luôn là một ẩn số chưa có lời giải để các em luôn khát khao tìm kiếm và nuôi ước vọng được gặp cha mẹ ruột của mình. Ai biết thông tin liên quan đến em Nguyễn Văn Điền và của bao đứa trẻ bất hạnh ấy, xin hãy liên lạc với trung tâm!
“Công tác xác minh, tìm kiếm thông tin gia đình, người thân của trẻ mồ côi, cơ nhỡ được trung tâm đặc biệt quan tâm. Dù đó là một cái tên, một địa chỉ hay chỉ là những hình ảnh trong trí nhớ khi còn non nớt của các em, tất cả đều được các cán bộ, nhân viên tiếp nhận, tìm kiếm kỹ lưỡng. Tuy nhiên, những trường hợp tìm được người thân chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng không vì thế mà hết hy vọng, công tác tìm kiếm vẫn được trung tâm kiên trì thực hiện. Cán bộ, nhân viên trung tâm vẫn miệt mài xác minh với mong mỏi lớn nhất là các em sớm được đoàn tụ cùng gia đình”. (Bà Trần Thị Bé, Trưởng phòng Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh) |
KIM HÀ