Khánh thành và đưa vào hoạt động 2 bệnh viện dã chiến quy mô 8.300 giường
(BDO) Bổ sung kịp thời cho cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Cơ sở 2 của Bệnh viện dã chiến số 1 - Bình Dương đặt tại khu nhà xưởng của Công ty Cổ phần Phát triển công nghiệp BW (BWID) với quy mô 5.300 giường, nhiều hơn 300 giường theo kế hoạch. Bệnh viện được xây dựng với các khu chức năng phụ trợ, trong đó bố trí 2.200 giường có trợ thở oxy cố định bằng hệ thống oxy trung tâm.
Cơ sở 2 của Bệnh viện dã chiến số 1 - Bình Dương được bố trí trang thiết bị phù hợp nhằm điều trị bệnh nhân Covid-19 từ không triệu chứng, triệu chứng nhẹ ở tầng 1 đến bệnh nhân nặng trung bình ở tầng 2. Bên cạnh các trang thiết bị y tế hiện đại, cơ sở cũng được kế thừa từ Bệnh viện dã chiến số 1 - Bình Dương những trang bị phầm mềm quản trị số hóa hiện đại, hệ thống trình ký văn phòng, website bệnh viện, wifi tốc độ cao… nhằm bảo đảm quản lý minh bạch, hiệu quả, chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Trong khi đó, Bệnh viện dã chiến số 3 đặt tại khuôn viên trường Đại học Việt Đức, phường Thới Hòa, TX.Bến Cát có quy mô 3.000 giường bệnh, được phân tầng điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 không triệu chứng, mức độ nhẹ đến trung bình.
Khu điều trị Bệnh viện dã chiến số 1 - Bình Dương sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân mắc Covid-19 đến điều trị. Ảnh: MINH DUY
Phát biểu tại các buổi lễ, ông Võ Văn Minh đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả sau 15 ngày hoạt động của Bệnh viện dã chiến số 1 - Bình Dương khi đã tiếp nhận và điều trị 1.300 ca bệnh và đã cho xuất viện hơn 140 ca. Kết quả này đã nói lên hiệu quả hoạt động của bệnh viện tuy dã chiến về cơ sở hạ tầng nhưng rất chuyên nghiệp về chuyên môn nghiệp vụ trong chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Việc tiếp tục đưa vào hoạt động các bệnh viện dã chiến đã bổ dung rất kịp thời cho cuộc chiến giành giật sự sống cho từng bệnh nhân.
Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương lực lượng thi công đã hoàn thành đúng tiến độ, an toàn, hiệu quả chỉ trong vòng một tuần lễ; đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ Y tế cùng đội ngũ y, bác sĩ từ mọi miền đất nước, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh đã chung tay, sẻ chia, hỗ trợ tận tình cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong suốt thời gian qua. Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, các đơn vị cần triển khai vận hành khu điều trị đúng nhiệm vụ được giao, tránh bệnh nhân F0 diễn tiến nặng phải chuyển sang tầng 3; đồng thời đề nghị Tổng Công ty Becamex IDC chủ động phối hợp chặt chẽ với Tiểu ban điều trị Covid-19 và các đơn vị liên quan để hỗ trợ, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, phương tiện bảo đảm an ninh, an toàn trong suốt thời gian hoạt động của bệnh viện dã chiến…
Bình Dương xây dựng bệnh viện dã chiến đạt quy chuẩn Bộ Y tế
Theo đánh giá của Bộ Y tế, các bệnh viện dã chiến tại Bình Dương đạt quy chuẩn, yêu cầu của bộ. Việc hoàn thành sớm và đưa vào hoạt động thêm 2 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương. Ngay từ khu vực điều trị ở tầng 1, các giường bệnh đã được bố trí các bình oxy cho bệnh nhân, cho thấy tỉnh đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để có thể chăm sóc bệnh nhân trong điều kiện tốt nhất.
Theo GS-TS Trần Văn Thuấn, việc Bình Dương đưa vào hoạt động 2 bệnh viện dã chiến cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như sự đoàn kết, đồng lòng từ phía người dân và doanh nghiệp để nhanh chóng xây dựng các bệnh viện dã chiến theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Trong quá trình triển khai và thực hiện, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh có bàn bạc cùng các chuyên gia Bộ Y tế để xây dựng mô hình chuẩn bao gồm 3 tầng điều trị, phân chia các trường hợp bệnh từ nhẹ đến nặng.
“Đặc biệt, chúng tôi rất ấn tượng với sự kỹ lưỡng về đầu tư trang thiết bị, cơ sở và cả về con người. Bình Dương đã chuẩn bị đủ điều kiện để ứng phó tình huống nếu ở tầng 1 bệnh nhân có những diễn tiến bệnh nặng, nguy kịch thì có thể cho bệnh nhân thở oxy ngay mà không cần phải chuyển lên tầng 2. Điều đó cho thấy tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện hết sức khẩn trương nhưng rất tỉ mỉ, cẩn thận để góp phần điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân trong điều kiện tốt nhất”, GS-TS Trần Văn Thuấn nói.
Cũng theo GS-TS Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế đã huy động 1.324 cán bộ, nhân viên y tế các tỉnh, thành đến hỗ trợ tỉnh Bình Dương và hiện đang triển khai huy động thêm 600 cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục hỗ trợ Bình Dương trong công tác điều trị tích cực cho các bệnh nhân. Trong giai đoạn này Bình Dương cần tranh thủ thời gian thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ để nhanh chóng “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng, bảo vệ chặt “vùng xanh”, khoanh chặt “vùng đỏ”; thu hẹp dần triệt để “vùng đỏ” và mở rộng “vùng xanh”.
GS-TS Trần Văn Thuấn cũng cho rằng, bên cạnh đó tỉnh cũng cần phát huy vai trò của Tổ an toàn Covid trong doanh nghiệp để tăng cường kiểm tra, giám sát, sàng lọc công nhân trong doanh nghiệp, các khu công nghiệp để tìm và tách F0 ra khỏi doanh nghiệp, nhà máy. Tỉnh cũng cần thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh đối với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào không an toàn thì không cho sản xuất.
MINH DUY