Khánh thành Trung tâm Văn hóa Phật giáo Bình Dương: Sự kiện ý nghĩa

Thứ hai, ngày 29/03/2010

Trong 2 ngày 29 và 30-3, chùa Hội Khánh sẽ long trọng tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Văn hóa Phật giáo Bình Dương - công trình Phật nhập Niết bàn dài 52m, được xác lập kỷ lục Ghi-net tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa của Phật giáo tỉnh nhà bởi ngoài nét đẹp của tổng thể công trình được làm nên từ công sức và tâm huyết của nhiều người, nơi đây sử dụng để tổ chức các sự kiện quan trọng của Phật giáo tỉnh nhà; là nơi để các thế hệ tăng, ni, tu sĩ tham gia các khóa Phật học. PV Báo Bình Dương có cuộc trao đổi với Thượng tọa (TT) Thích Huệ Thông - Phó Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo, trụ trì chùa Hội Khánh nhân sự kiện này.

công trtình nhìn từ chính diện

- Xin TT cho biết tổng quan về công trình Phật nhập Niết bàn chùa Hội Khánh? - Tổng thể công trình có diện tích 3.200m2, nằm trên tổng diện tích 13.000m2 khu đất Tổ đình chùa Hội Khánh. Công trình bao gồm nhiều hạng mục như tượng Phật nhập Niết bàn dài 52m, cao cách mặt đất 24m. 4 phòng với các chức năng sử dụng khác nhau như hội trường A (600m2) dành làm nơi học tập của các tu sĩ, tổ chức hội nghị, đại hội với sức chứa trên 500 đại biểu, hội trường B (400m2) làm nơi sinh hoạt hội họp, tiếp khách của Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo cũng như các ban đại diện, với sức chứa trên 200 người, hội trường C (400m2) là thư viện (thư viện sẽ có đa dạng các sách Phật giáo và một số sách mang tính nghiên cứu lịch sử), phòng làm việc của Ban giám hiệu trường Phật học tỉnh Bình Dương. Gần khoảng 3.000m2 nền nhà được lát toàn đá hoa cương, 5.000m2 sân được cán bê tông. Cầu thang chính đi lên tượng Đức Phật 49 bậc, tượng trưng cho 49 năm hành đạo của Đức Phật. Bao quanh tượng Phật là sân thượng tạo không gian để thiền hành. Dọc theo cầu thang và bao quanh sân thượng có 52 ngọn đèn giả đá biểu tượng cho ngũ thập nhị chủng cúng vật (52 phẩm vật do 52 chúng dâng cúng Đức Phật trong Hội Niết bàn). Dưới chân bệ nằm của Đức Phật có 20 bức phù điêu tái hiện hình ảnh Đức Phật từ lúc Đản sinh cho đến lúc nhập Niết bàn. Quanh tượng Phật là 840 cánh hoa sen được đắp bằng xi măng. Đặc biệt, 4 mái đao của sân thượng được thể hiện là rồng cách điệu lá sen, đắp lên những mảnh gốm sứ tạo sự sắc sảo và tráng lệ cho công trình. - Tượng Phật dài 52m, lại nằm vị trí cao cách mặt đất 24m, đó có phải là sự táo bạo về mặt thiết kế kiến trúc, thưa TT? - Có thể nói là vậy. Khu đất nơi xây dựng công trình vốn là đất trũng, sình lầy, lại đòi hỏi sự chuẩn mực về mặt thiết kế xây dựng từ khâu làm móng để có thể chịu trọng lượng rất lớn từ tượng Phật nên là thách thức đối với những người thực hiện. Ngay từ khi hình thành ý tưởng, tôi đã cùng với kỹ sư Trần Văn Pháp - người chịu trách nhiệm thiết kế, xây dựng công trình tính toán thật khoa học và chi tiết. Nhờ đó, công trình được thành tựu viên mãn đúng theo tiến độ dự kiến, mặc dù công trình được khởi công xây dựng đúng vào thời điểm nhạy cảm chung của nền kinh tế cả nước từ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đó là hạnh phúc rất lớn của bản thân tôi và những người cùng góp công, góp sức tâm huyết thực hiện công trình như vị tín chủ B.T.C (người đồng hành cùng tôi trong suốt chặng đường), chư tăng đức, phật tử, các ngành chức năng của tỉnh và địa phương, sự miệt mài ngày đêm của kỹ sư Trần Văn Pháp, kiến trúc sư - Phạm Văn Thịnh, điêu khắc gia - Trần Quang Thái cùng những nghệ nhân, những người thực hiện để công trình hoàn thiện như lòng mong đợi. Theo tính toán, khối lượng nguyên vật liệu sử dụng cho công trình là 220 tấn xi măng, 300 tấn thép, 15.000m3 đất (do đây là vùng đất trũng nên khối lượng đất sử dụng nhiều hơn dự kiến). Tổng kinh phí hoàn thành công trình chính và các công trình phụ là gần 20 tỷ đồng. - Công trình phụ là như thế nào, thưa TT? - Đó là những công trình phát sinh thêm so với dự kiến ban đầu từ sự phát tâm cúng dường của phật tử như 13 phòng ở làm nơi để tăng sinh hội tụ; nhà rường và hồ sen, nơi uống trà thanh tịnh; tượng đài Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá cao 5m với mái che thiết kế như ngôi chùa một cột, mái hình cổ lầu, hoa văn chạm trổ tinh xảo trị giá trên 1 tỷ đồng; khuôn viên sân trồng 6 cây Ta-la (cây nơi Đức Phật nhập Niết bàn) vừa ý nghĩa vừa tạo bóng mát cho công trình. So với dự toán kinh phí ban đầu, số tiền phát sinh thêm gần 8 tỷ đồng. Từ ngoài nhìn vào sẽ nổi bật với 2 bệ đá. Bệ đá bên trái khắc câu liễn đối của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng, mặt sau tóm tắt ý tưởng và quá trình lịch sử hình thành công trình. Bệ đá bên phải, mặt trước khắc tên của các bậc tôn túc cho lễ đặt đá, mặt sau ghi danh công đức của phật tử và các ngành chức năng, cùng nhiều hạng mục, cây kiểng trang trí khác tiếp tục hoàn chỉnh. - Nơi đây sẽ là Trung tâm Văn hóa Phật giáo của tỉnh, TT có thể nói rõ thêm về ý nghĩa này? - Bình Dương được biết như là một tỉnh có nền kinh tế phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mạnh trong khu vực, nhưng đến nay, về mặt công tác Phật sự, các tu sĩ, tăng, ni trẻ của Bình Dương muốn tham gia các khóa Phật học phải đến TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều đó làm trăn trở đối với những người có tâm huyết với sự phát triển của Phật giáo tỉnh nhà. Bình Dương từng có một khóa đào tạo Phật học đầu tiên, niên khóa 1995-2000 tại Tổ đình chùa Hội Khánh, nhưng do điều kiện khách quan về cơ sở vật chất không bảo đảm cho việc hình thành ngôi trường nên việc giảng dạy không được tiếp tục. Vì thế, công trình đưa vào sử dụng sẽ là nơi học tập của các tăng, ni, tu sĩ; nơi diễn ra các sự kiện văn hóa của Phật giáo tỉnh nhà; nơi sinh hoạt Phật sự của phật tử và người dân địa phương. Năm 2011, nơi đây sẽ tiếp nhận hàng ngàn tăng, ni về tham gia Hội nghị ngành Hoằng pháp Trung ương do Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương đăng cai tổ chức. - Lễ khánh thành sẽ được tổ chức như thế nào, thưa TT? - Chương trình lễ sẽ diễn ra trong 2 ngày 29 và 30-3-2010 với các phần lễ nghi trang trọng của Phật giáo như khai kinh nhiễu đàn, tụng kinh cầu an, đăng đàn chẩn tế, hội trại gia đình Phật tử, lễ hội hoa đăng, chương trình văn nghệ diễn ra từ 9 giờ đến khoảng 22 giờ ngày 29-3. Ngày 30-3 sẽ diễn ra phần chính của lễ khánh thành bắt đầu từ lúc 7 giờ 30 phút. - Xin cảm ơn TT và chúc cho Trung tâm Văn hóa Phật giáo Bình Dương sẽ có nhiều thành tựu! NGỌC TRINH (thực hiện)