Khẳng định vai trò, vị thế trong phát triển công nghiệp nông thôn

Thứ tư, ngày 20/12/2023

(BDO) Bộ Công thương vừa tổ chức công nhận, cấp giấy chứng nhận 173 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023, trong đó có 7 sản phẩm của Bình Dương. Đây là những sản phẩm nổi trội, đại diện cho các nhóm ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu, có lợi thế của địa phương, khu vực và quốc gia; có giá trị sử dụng cao, tốt về chất lượng, đẹp về hình thức; có thế mạnh, tiềm năng phát triển mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước.


Trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Bình Dương tại Hà Nội tháng 12-2023

Chiến lược dài hơi

Theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp (DN), mong muốn sản phẩm CNNT tiêu biểu được hưởng nhiều ưu đãi từ chương trình khuyến công cho phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện, cho biết: “Chúng tôi mong muốn thông qua chính sách khuyến công, Bộ Công thương, chính quyền các địa phương hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho DN để tạo ra nguồn sản phẩm chất lượng cao. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có gói hỗ trợ đặc thù về lãi suất tín dụng, bởi lẽ lãi suất hiện đang quá cao, lợi nhuận của DN vô vùng ít, với các DN CNNT nhỏ về quy mô, yếu về tiềm lực sẽ rất khó để vay được vốn ngân hàng cho đầu tư mở rộng sản xuất”.

Thực tế, cơ sở sản xuất, DN CNNT hầu hết có quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ, nguồn lực hạn chế. Để hỗ trợ đối tượng này phát triển cần có một chiến lược trung và dài hạn, thống nhất cho công tác khuyến công để nuôi dưỡng từ DN nhỏ thành DN vừa và DN lớn. Chiến lược này có thể kéo dài 10-20 năm nhưng rất cần thiết. Các DN cũng bày tỏ mong muốn Bộ Công thương hỗ trợ nhiều hơn cho công tác xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước, giúp DN, cơ sở sản xuất CNNT tìm được đối tác, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, khẳng định phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu vẫn là một nội dung quan trọng của chương trình khuyến công của tỉnh. Thời gian qua, nguồn vốn khuyến công địa phương đã làm tốt công tác huy động “vốn mồi” để DN tự tin vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên, phát triển các sản phẩm CNNT. Trong thời gian tới, ngành công thương tiếp tục hỗ trợ các DN phát triển KHCN, huy động các DN trong tỉnh tham gia nhiều hơn chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu để lựa chọn sản phẩm có tiềm năng nhằm phát triển sản xuất, thị trường trên cơ sở đáp ứng theo các tiêu chí…

Các DN mong muốn được quan tâm nhiều hơn, tuy nhiên nguồn lực quốc gia còn hạn chế, mỗi năm chỉ hơn 100 tỷ đồng dành cho công tác khuyến công. Trong gói nguồn lực đó, đơn vị chức năng phải cân đối, tập trung cho những nội dung trọng tâm, cụ thể là nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất”.

(Ông Ngô Quang Trung Cục trưởng Cục Công thương địa phương về công tác xúc tiến thương mại)

Hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ 4.0

Theo ngành công thương, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang chuyển đổi cấu trúc của nền kinh tế thế giới, hiện bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này đã mang đến cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ để thực hiện công nghiệp hóa đất nước và bắt kịp các nước phát triển. Trong năm 2024, ngành công thương xác định một trong các giải pháp trọng tâm tập trung đó là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo đó, ngành sẽ “đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành công thương dựa trên nền tảng của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, ông Nguyễn Thanh Toàn nhấn mạnh.

Đối với các DN ngành chế biến gỗ, cần hỗ trợ DN tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, tối ưu hóa các chỉ tiêu công nghệ, định mức tiêu hao tiên tiến xây dựng theo mô hình hợp lý (định mức lao động, định mức tiêu hao vật tư,…) để tiết giảm chi phí sản xuất ở mức hợp lý và bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh; áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm sử dụng tiết kiệm tài nguyên phát triển xanh, thân thiện với môi trường.

Với ngành cơ khí, ngành công thương phối hợp với các bộ, ngành trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn trong ngành cơ khí, trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định của Luật Đầu tư để hình thành các dự án lớn, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, chuyển giao và làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo; phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng bền vững.

Đối với lĩnh vực thực phẩm, các DN cần gắn kết chặt chẽ công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm với công tác quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường, bình ổn thị trường, cân đối cung cầu, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ngành công thương đẩy mạnh tổ chức triển khai chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành công thương giai đoạn 2021- 2030; các chương trình, đề án khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, cấp tỉnh đã được phê duyệt, tập trung tổ chức triển khai đề án hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh đến năm 2030.

 TIỂU MY - ANH TUẤN