Khẳng định vai trò “đầu tàu”
(BDO) Tổng kết 25 năm xây dựng và phát triển, quy mô kinh tế của Bình Dương tính đến cuối năm 2021 đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần so với năm 1997, đứng thứ 3 cả nước, sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tỉnh đứng đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người, đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), sau TP.Hồ Chí Minh, đứng thứ 3 về tổng thu nội địa và về tỷ lệ trích nộp vào ngân sách Trung ương (64%), chỉ tiêu này cũng chỉ đứng sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Thành quả trên đã đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương đầu tiên đạt mức thu nhập trung bình cao, với GRDP bình quân đầu người 7.000 đô la Mỹ/người/năm.
Quá trình phát triển đó đã giúp Bình Dương tích lũy được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị đồng bộ, thể hiện qua việc tỉnh sớm hoàn thiện các phân đoạn chính thuộc tuyến đường vành đai 3 và một số đoạn thuộc vành đai 4 đi qua tỉnh, tích hợp trực tiếp và các tuyến đường trục chính nội tỉnh như Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế.
Tuy nhiên, việc trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao của cả nước và là địa phương đầu tiên đạt mức thu nhập trung bình cao đã đặt Bình Dương đứng trước thách thức phải sớm đương đầu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Xác định đây không chỉ là bài toán về năng suất lao động, phát triển kinh tế, mà còn là bài toán phát triển bền vững, bài toán bình đẳng xã hội, phát triển bao trùm và đồng đều, bài toán đô thị hóa, kết nối, hội nhập phát triển, tỉnh Bình Dương đã xây dựng chiến lược 6 trụ cột để vượt qua bẫy thu nhập trung bình thông qua việc vượt qua 6 bẫy thành phần.
Cụ thể, trụ cột thứ nhất (vượt bẫy phát triển gián đoạn thông qua phát triển kế thừa); trụ cột thứ hai (vượt bẫy năng suất lao động tổng hợp thông qua phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo); trụ cột thứ ba (vượt bẫy đô thị hóa thông qua phát triển tích hợp); trụ cột thứ tư (vượt bẫy môi trường sinh thái thông qua phát triển bền vững); trụ cột thứ năm (vượt bẫy phụ thuộc thông qua phát triển đa phương); trụ cột thứ sáu (vượt bẫy bất bình đẳng thông qua Phát triển bao trùm, đồng đều). Sáu trụ cột này sẽ luôn bao hàm thực thi việc tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp mới, gắn liền với mạng lưới công nghiệp của vùng.
Để khẳng định vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế của vùng Đông Nam bộ và nâng cao tính năng động của các địa phương trong vùng như tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Bình Dương kiến nghị Trung ương xem xét cơ chế thúc đẩy, phân bổ nguồn lực đầu tư phù hợp với điều kiện từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm. Cần có cơ chế đặc thù cho vùng trong điều tiết ngân sách cũng như quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho các tỉnh trong vùng nói chung và Bình Dương nói riêng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực… Bình Dương cũng kiến nghị Trung ương sớm sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư công cũng như hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy phát triển…
PHƯƠNG AN