Khẳng định chức năng đại diện của Công đoàn

Thứ ba, ngày 24/04/2012

Để Công đoàn thực sự là tổ chức đại diện duy nhất cho người lao động, việc sửa luật phải đáp ứng yêu cầu của quan hệ lao động, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam.

“Luật Công đoàn (CĐ) sửa đổi không những phải được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp năm 1992, đồng bộ với Bộ Luật Lao động (BLLĐ) mà còn phải cụ thể hóa cơ chế bảo đảm thực hiện quyền CĐ”. Nhiều đại biểu tham dự hội nghị góp ý Luật CĐ (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức mới đây đã nhấn mạnh điều này.

Chức năng bẩm sinh

Theo các đại biểu, về lý luận, chức năng đại diện chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, lao động là chức năng bẩm sinh của CĐ. Về thực tiễn, từ trước đến nay, trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 20-NQ/TW của Đảng, BLLĐ hiện hành và các văn bản pháp luật khác đều quy định CĐ có chức năng này.

Vì vậy, nếu quy định CĐ “cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế - xã hội chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng…” như điều 1 dự thảo luật là không ổn. Ông Vương Phước Thiện, Chủ tịch CĐ các KCX-KCN TP.HCM phân tích: “Cụm từ cùng với trong dự thảo không rõ chủ thể chịu trách nhiệm; đồng thời làm cho trách nhiệm của tổ chức CĐ thiếu tập trung. Về mặt kỹ thuật lập pháp thì không nên có những quy định không rõ đối tượng điều chỉnh”.

Nhiều ý kiến đề xuất sửa điều 1 theo hướng: “CĐ là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động tự nguyện lập ra, là thành viên của hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam. CĐ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-LĐ…”.

Về trách nhiệm “tổ chức và lãnh đạo đình công” (khoản 9, điều 10), đa số ý kiến đều ủng hộ và cho rằng đây là bước tiến bộ của dự thảo lần này. “Với chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) thì CĐ phải có trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo đình công để bảo đảm cho cuộc đình công được thực hiện đúng luật.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu giải quyết đồng bộ mối quan hệ ba bên giữa người sử dụng lao động, NLĐ và CĐ. Đồng thời trong BLLĐ và các văn bản khác cần quy định cơ chế bảo đảm cho CĐ thực hiện có hiệu quả trách nhiệm này”, ông Vũ Văn Quảng, Phó Phòng LĐ- TB-XH quận 7, TP.HCM góp ý.

Công đoàn phải tự chủ tài chính

Về trích nộp 2% kinh phí CĐ, đại đa số ý kiến thống nhất đề nghị sửa đổi “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng góp bằng 2% quỹ tiền lương thực trả cho NLĐ” chứ không thu theo mức 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội như dự thảo.

Từ thực tiễn hoạt động ở cơ sở, ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch CĐ Công ty Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, TP.HCM) cho biết: “Thực tế, với mức thu 2% lương thực trả như hiện nay vẫn không đủ chi cho các hoạt động của CĐ, nhiều hoạt động phải kêu gọi sự hỗ trợ từ doanh nghiệp”.

Về quản lý, sử dụng tài chính CĐ, nhiều ý kiến cho rằng quy định “Nhà nước giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài chính CĐ theo quy định của pháp luật” được nêu tại khoản 2, điều 29 dự thảo là chưa ổn. Thực tế, từ trước đến nay, tổ chức CĐ thực hiện tự quản về tài chính theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời luôn chịu sự giám sát của Nhà nước, của đoàn viên, NLĐ và cơ quan kiểm toán.

Theo ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch CĐ Giáo dục TP.HCM, trong hệ thống tổ chức CĐ thì Ủy ban Kiểm tra CĐ các cấp từ Trung ương đến cơ sở có chức năng kiểm tra tài chính đồng cấp và kiểm tra tài chính CĐ cấp dưới. Do đó, nếu quy định như dự thảo luật thì rất khó thực hiện trong điều hành chỉ đạo, đồng thời không bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất.

Ông Trần Thiện Tứ, thành viên khối kinh tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM:

Tạo thuận lợi tối đa cho CĐ

Để CĐ thực sự là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của NLĐ, bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý cho CĐ hoạt động, phải trao quyền tự chủ về tài chính cho CĐ. Luật hóa việc trích nộp kinh phí sẽ tạo điều kiện tốt hơn để CĐ chủ động tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ NLĐ; góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa.

Theo NLĐ