Kháng chiến để giữ vững độc lập, chủ quyền của dân tộc
Sau cách mạng tháng 8-1945, thực dân Pháp tìm cách xâm lược nước ta một lần nữa. Bội ước Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, thực dân Pháp ráo riết tăng cường lực lượng và đến tháng 12-1946, số quân địch đã lên tới 10 vạn, chúng đổ bộ xuống Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị đánh úp các cơ quan đầu não của Thủ đô Hà Nội.
Ngày 19-12-1946, pháo đài Láng là nơi bắn phát đạn đầu tiên vào thành Hà Nội, mở đầu ngày toàn quốc kháng chiến Ngày 17 và 18-12- 1946, Hội nghị BCH Trung ương Đảng mở rộng họp ở Vạn Phúc (Hà Đông) quyết định cả nước kháng chiến lâu dài. Đêm 19-12- 1946, tiếng súng giết giặc ở thủ đô đã nổ, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược.
Sáng 20-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào toàn quốc: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên, bất kỳ đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp, cứu nước. Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”.
Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, quân và dân cả nước vùng lên kháng chiến. Tiêu biểu là các cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta ở thủ đô Hà Nội và một số thành phố lớn.
Thủ đô Hà Nội là trọng điểm đánh úp của kẻ thù, tại đây chúng đã tăng cường trái phép đem 6.500 lính viễn chinh đến các cửa ngõ thành phố và sát cạnh các cơ quan đầu não của ta. Ngoài ra, chúng còn tổ chức nhiều tổ tác chiến tại các nhà thực dân Pháp ở trong thành phố và chuẩn bị lực lượng yểm trợ gồm 20 máy bay, 40 xe tăng và hàng trăm xe thiết giáp, trọng pháo.
Nhiệm vụ của quân dân Hà Nội là nhanh chóng quật trả lại địch, giành chủ động, chiến đấu giam chân địch một thời gian nhất định để hậu phương kịp thời huy động lực lượng kháng chiến. “Kế hoạch trong đánh, ngoài vây” của đồng chí Vương Thừa Vũ chỉ huy mặt trận Hà Nội đã được phê chuẩn, lực lượng ta không chỉ có 5 tiểu đoàn Vệ quốc quân (2.500 người) cùng 9.000 tự vệ chiến đấu và tự vệ thành, phụ nữ thủ đô sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Tất cả Hà Nội đã sẵn sàng, chiến lũy được dựng lên trên các đường phố, tường các nhà được đục thông thành con đường “ngầm” từ phố này sang phố khác. Các ụ chiến đấu được bố trí sẵn sàng, chấp hành lệnh chiến đấu của Bộ tổng chỉ huy, đúng 20 giờ ngày 19-12-1946, đèn tín hiệu thành phố vụt tắt. Đó là hiệu lệnh chiến đấu của toàn thành, các lực lượng vũ trang ta đồng loạt nổ súng tấn công vào các vị trí của giặc. Từ các pháo đài Láng, Xuân Canh, Xuân Tảo, Đào Xuyên, pháo binh ta nã vào trại giặc. Tiếng đại bác ầm vang, nhân dân hò reo ném đồ đạc ra mặt đường làm chướng ngại vật. Mìn nổ, cây đổ, cột điện, toa xe điện được lật xuống các ngã tư, ngã năm làm chiến lũy “Giờ cứu nước đã đến” tiếng ca hùng tráng “bao chiến sĩ anh hùng… vang lên”. Cả Hà Nội vùng lên quật khởi. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng anh dũng. Quân Pháp phản kích quyết liệt, hàng ngàn quân thuộc sư đoàn bộ binh thiết giáp số 2 chiến xa dẫn đầu đánh Bắc bộ phủ, trụ sở Bộ Quốc phòng, doanh trại Vệ quốc đoàn nhưng đều vấp phải sự chống trả mãnh liệt của quân dân ta. Nhiều trận đánh nổi tiếng như ở trường Trần Nhật Duật, nhà Xôva ở phố bờ sông, phố Hàng Thiếc, chợ Đồng Xuân… các chiến sĩ ta vật lộn với những tên to lớn ở từng bờ đường, góc phố, quầy hàng trong chợ. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm xuất hiện. Chính trị viên đại đội Lê Gia Định cầm búa đập kíp bom trước thềm Bắc bộ phủ, diệt một xe tăng và một tiểu đội lính Pháp, Trung đội trưởng Trần Thanh ôm bom ba càng phá xe tăng địch tiến ra cửa ô.
Đêm 23-12-1946, theo kế hoạch đã định, Tiểu đoàn 101 cùng tự vệ vừa chiến đấu, vừa tập trung vào Liên khu I lập thành một trung tâm đề kháng ở giữa lòng Hà Nội, tháng 1-1947, các lực lượng chiến đấu ở đây đã thống nhất thành một trung đoàn gồm khoảng 2.000 người. Hội nghị quân sự lần thứ nhất toàn quốc họp ngày 12-1-1947 đã đặt tên là Trung đoàn Thủ Đô: Trung đoàn 48 được Ban Thường vụ Quốc hội tặng danh hiệu Trung đoàn Thăng Long.
Như vậy, cuộc chiến đấu trong đánh, ngoài vây đã bắt đầu ngày 15-1-1947, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn một vạn thường dân từ Liên khu I rút ra khỏi thành phố, trong đó còn khoảng 500 chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô tổ chức thành những đội cảm tử ở lại chiến đấu theo lệnh của Bộ Tổng chỉ huy và 400 tự vệ cùng 300 dân còn lại.
Ngày 7-2-1947, giặc Pháp mở cuộc tổng công kích vào Liên khu I, chúng dùng xe tăng, pháo và máy bay dội bom phá hủy từng dãy phố. Cảm tử chiến đấu kiên cường, giữ từng căn nhà, góc phố quân Pháp bị diệt tại Hà Nội lên hơn 2.000 tên, kể từ ngày nổ súng. Chiều 14-2-1947, giặc Pháp chuẩn bị trận công kích cuối cùng. Sáng 15-2-1947, Bộ Tổng chỉ huy ra lệnh cho tất cả các lực lượng trong Liên khu I rút khỏi trận địa giữa thành phố. Đêm 17-2-1947, Trung đoàn Thủ Đô và nhân dân Liên khu I rút quân thần kỳ, vượt sông Hồng và sông Đuống ra vùng nông thôn tỉnh Phúc Yên an toàn.
Tiểu đội du kích Hồng Hà suốt 50 ngày đêm giữ vững con đường liên lạc từ bên ngoài vào Liên khu I, đã ngoan cường chiến đấu để chặn đánh, quân địch đuổi theo bên bờ sông Hồng vào sáng sớm ngày 18-2- 1947, bảo đảm cho cuộc rút quân trọn vẹn.
Cuộc chiến đấu 52 ngày đêm ở Thủ đô Hà Nội và Liên khu I đã thắng lợi. Nó đánh bại kế hoạch của Pháp hòng đánh úp Trung ương Đảng và Chính phủ ta ở Hà Nội; cổ vũ và tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào kháng chiến trường kỳ; đồng thời đề cao quyết tâm kháng chiến của nhân dân cả nước, củng cố lòng tin của nhân dân vào sức mạnh chiến đấu của dân tộc.
C.T (Tổng hợp)