Kháng cáo
Hỏi: Con tôi bị TAND huyện xử phạt 2 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Tại phiên tòa, VKSND đề nghị xử phạt con tôi từ 2 đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, nhưng tòa án tuyên phạt 2 năm tù giam. Vậy con tôi có quyền kháng án lên tòa án cao hơn để xử lại cho nhẹ tội hơn hay không?
PHAN THỊ LỆ (Dầu Tiếng)
Trả lời: Theo Điều 231, 232 và 234 Bộ luật Tố tụng hình sự, sau khi xét xử sơ thẩm thì bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của bị cáo có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Khi bản án sơ thẩm có kháng cáo, thường thì tòa án cấp phúc thẩm xét xử y án sơ thẩm hoặc giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa sơ thẩm Viện kiểm sát đề nghị cho hưởng án treo nhưng Hội đồng xét xử tuyên phạt tù giam; trong trường hợp này Viện kiểm sát sẽ không kháng nghị theo hướng tăng nặng. Con bà có thể làm đơn kháng cáo đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét để quyết định hình phạt nhẹ hơn cho con bà. Lập di chúc
Hỏi: Chồng tôi chết đã lâu, tôi chỉ có một đứa con duy nhất hiện đang định cư ở nước ngoài. Tôi muôn lập di chúc để lại nhà và đất hiện tôi đứng tên có được không?
BÙI THỊ MỸ (TX.Thuận An)
Trả lời: Theo Điều 646 Bộ luật Dân sự, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Với quy định nêu trên, bà có quyền lập di chúc để lại tài sản của mình cho con bà và không phân biệt con bà đang định cư ở nước ngoài hay đang sống trong nước.
Bà có thể lập di chúc ở Phòng công chứng. Tuy nhiên, con bà là người Việt Nam định cư ở nước ngoài nên bị hạn chế một số quyền và chỉ được nhận phần giá trị trên di sản mà bà để lại.
Luật gia XUÂN LẠC