Khăn xếp Suối Đờn Bình Nhâm: Nghề thủ công nổi tiếng một thời

Thứ tư, ngày 08/10/2014

Hiện nay, tại phòng trưng bày về văn hóa các dân tộc Việt của Bảo tàng tỉnh đang trưng bày hai khăn xếp Suối Đờn. Một chiếc khăn xếp vải màu đen, tám lớp của ông Nguyễn Văn Nghệ (ấp Hòa Long, Vĩnh Phú, Thuận An) và một chiếc khăn xếp màu đỏ, may tay, loại khăn nhỏ của trẻ em của ông Trần Văn Chưởng (ấp Hưng Lộc, Hưng Định, Thuận An) làm tặng cháu nội. Đây là những vật chứng còn lại cuối cùng của nghề thủ công làm khăn xếp gắn liền với địa danh Suối Đờn đưa nghề làm khăn xếp Suối Đờn Bình Nhâm nổi tiếng một thời ở Nam kỳ.

Suối Đờn là một địa danh ở Bình Nhâm, Lái Thiêu gắn công trình nghệ thuật dân gian của nghệ nhân Nguyễn Văn Hoài (tục danh Mười Hoài, sinh năm 1884) chế tác nên. Ông Mười Hoài vận dụng sức đẩy của nước, từ một con suối tác động vào một giàn máy bằng gỗ do ông thiết kế, tạo nên âm thanh cao thấp, to nhỏ, khoan nhặt, giống như một giàn cổ nhạc nên dân chúng gọi Suối Đờn. Công trình của ông thu hút được người trong và ngoài vùng đến tham quan, giải trí, kể cả quan chức Pháp - Việt. Từ điểm vui chơi này một người bà con của ông tên Nguyễn Văn Bút có sáng kiến lập nên cơ sở khởi nghiệp làm khăn xếp đội đầu, lấy địa danh này làm thương hiệu khăn xếp Suối Đờn. Khăn xếp làm giống như hình dáng khăn cổ truyền của người Việt, có 7 tới 9 lớp vải nhiễu, the, lụa (mua từ tỉnh Hà Đông chở vào) và lớp dưới cùng được xếp theo hình chữ Nhân. Khăn xếp Suối Đờn rất được ưa chuộng vì dùng vật liệu tốt, trong quá trình làm thợ còn lót thêm một lớp vải mềm bên trong khăn làm cho người đội có cảm giác thoải mái.

Khăn xếp là một vật dụng rất phổ biến trong bộ quốc phục, lễ phục truyền thống của nam giới Việt Nam từ xưa cho tới trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngày nay, do thay đổi về mặt văn hóa, xã hội, ăn mặc thay đổi nên nghề khăn xếp không còn nữa, khăn xếp chỉ còn nhắc tới trong dịp lễ hội cổ truyền. Chiếc khăn xếp là hình ảnh trong trí nhớ nhắc nhở về một nghề thủ công mỹ nghệ đã từng hình thành và phát triển tại địa phương. Hiện nay chỉ còn một chứng nhân trong nghề đó là ông Trần Văn Chưởng, nay đã trên 80 tuổi.

H.L