Khẩn trương thực hiện các giải pháp ngăn chặn virus WannaCry
(BDO) Vừa qua, mã độc tấn công đòi tiền chuộc (ransomware) - virus WannaCry đã phát tán nhanh chóng trên thế giới, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan, cá nhân cũng như an ninh mạng. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông để hiểu rõ hơn về tác hại của virus WannaCry và các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.
- Xin ông cho biết mức độ ảnh hưởng của virus WannaCry?
- Hiện tại, mã độc có tên là WannaCry do nhóm tin tặc Shadow Brokers lấy cắp của Cơ quan An ninh Nội địa Mỹ (NSA) và tung lên mạng thông qua website chuyên về nguồn mở Github đang lây lan với tốc độ chóng mặt trên toàn thế giới. WannaCry khai thác một số lỗ hổng trên hệ điều hành Windows (trừ Windows 10 và Windows Server 2016) để tấn công vào các máy tính với mục tiêu mã hóa dữ liệu. Nếu máy tính bị nhiễm WannaCry, dữ liệu trên máy tính sẽ bị mã hóa và yêu cầu người dùng phải trả một khoản tiền chuộc để giải mã. Việt Nam thuộc nhóm 20 quốc gia có thể bị ảnh hưởng nặng từ virus này.
Người dùng máy vi tính hãy cẩn trọng khi xem các đường dẫn (link) đính kèm trong email, các trang mạng xã hội, vì nguy cơ “dính” virus WannaCry rất cao (Ảnh minh họa)
- Tại Bình Dương, hiện đã có trường hợp nào bị nhiễm virus WannaCry chưa, thưa ông?
- Đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được thông tin phản hồi nào về các trường hợp máy tính trong hệ thống cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức, cá nhân trên địa bàn bị nhiễm mã độc này.
- Thưa ông, để phòng tránh virus WannaCry có hiệu quả, về mặt quản lý nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông đã đưa ra những giải pháp gì?
- Nhằm ngăn chặn lây lan và giảm thiểu rủi ro cho các đơn vị nắm giữ hệ thống thông tin quan trọng, Cục An toàn thông tin và Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện biện pháp xử lý khẩn cấp mã độc này. Thực hiện điều phối hoạt động ứng cứu sự cố an toàn mạng, sau khi tiếp nhận các thông tin chỉ đạo, hướng dẫn từ Ban điều phối quốc gia, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ liên quan khẩn trương tiến hành thực hiện theo các hướng dẫn của VNCERT, đồng thời thông tin qua mail cho người dùng trong hệ thống biết để phòng tránh.
- Ông có lời khuyên gì đối với người dùng máy tính để tránh trường hợp lây nhiễm virus WannaCry?
- Để máy tính tránh bị nhiễm mã độc nói chung và WannaCry nói riêng, người dùng phải luôn cập nhật các phần mềm chống virus để bảo vệ máy tính. Bên cạnh đó, hệ điều hành nên được cập nhật thường xuyên, trong đó sẽ bao gồm các bản vá lỗi hệ điều hành mới nhất để tránh bị tin tặc khai thác các lỗ hổng. Đối với email là một trong những cách phổ biến để WannaCry và các mã độc tương tự xâm nhập máy tính. Vì thế, người dùng máy tính đừng click hoặc mở các file tài liệu lạ đính kèm.
Người dùng máy tính cần sao lưu tất cả dữ liệu quan trọng để khi gặp sự cố thì khôi phục lại dễ dàng. Cùng với đó, người dùng nên sao lưu trên máy chủ, các thiết bị lưu trữ ngoài hoặc các hình thức khác không dùng tới internet. Người dùng máy vi tính cần liên hệ ngay với các cơ quan chức năng cũng như các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin để được hỗ trợ khi cần thiết.
- Xin cảm ơn ông!
Theo các chuyên gia, đến nay ước số nạn nhân của virus WannaCry lên tới hơn 200.000 người, trên quy mô toàn cầu. WannaCry được giới chuyên môn đánh giá là cuộc tấn công an ninh mạng chưa từng có. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định WannaCry đang biến thể với phiên bản mới - WannaCry 2.0. Với WannaCry 2.0 sẽ còn dữ dội hơn khi đã xuất hiện các công cụ cho phép tùy biến ransomware theo ý thích của hacker (tin tặc) mà không tốn nhiều thời gian; các công cụ này tuy không chỉnh sửa cách tấn công của WannaCry nhưng nó góp phần giúp gia tăng số lượng WannaCry bị tung ra. Các chuyên gia của Intel cho hay, hiện lỗ hổng đã ghi nhận tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh và có thể lan rộng trên toàn quốc.
HOÀNG PHẠM (thực hiện)