Khẩn cấp phòng chống, điều trị bệnh sốt xuất huyết

Thứ hai, ngày 14/09/2015

Trước tình hình bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) gia tăng đáng kể và đã có 4 ca bệnh SXH tử vong, Sở Y tế đã có công văn khẩn gửi đến các đơn vị trực thuộc. Theo đó, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị tăng cường hơn nữa công tác phòng chống, điều trị bệnh SXH, tránh xảy ra những biến chứng đáng tiếc…


Khám bệnh cho trẻ tại phòng khám Nhi (phòng khám dịch vụ), Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Theo bác sĩ Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế, sở đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc của 9 huyện, thị, thành phố và Bệnh viện (BV) Đa khoa Cao su Dầu Tiếng, BV Quân y 4 - Quân đoàn 4, các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập cũng như Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh triển khai các biện pháp xử lý dịch kịp thời cũng như tăng cường công tác điều trị cho bệnh nhân. Hiện nay đang trong mùa mưa, dịch bệnh SXH có thể tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, có thể tiếp tục có ca bệnh nặng, nguy hiểm đến tính mạng người dân nếu không triển khai khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.

Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện những nội dung: Tiếp tục triển khai thực hiện Công điện số 300/CĐ-BYT ngày 17-4-2015 của Bộ Y tế và Công văn số 1369/UBND-VX ngày 6-5-2015 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng chống bệnh SXH. Với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cần xác định các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao bùng phát dịch để có giải pháp chỉ đạo quyết liệt, xử lý dịch triệt để và bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng chống SXH trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó là tham mưu tổ chức các đoàn liên ngành đi kiểm tra, hỗ trợ các địa phương, khắc phục các tồn tại, giải quyết những khó khăn, vướng mắc để có các biện pháp chỉ đạo kịp thời và phù hợp; tập trung cao độ các biện pháp phòng chống để kịp thời ngăn chặn tình trạng dịch bệnh SXH, lan rộng, kéo dài.

Ngày 9-9 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 3090/UBND chỉ đạo các cơ sở y tế về việc duy trì hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy trên địa bàn 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Cần phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch SXH và phun hóa chất diệt muỗi triệt để tại 100% các hộ gia đình tại khu vực ổ dịch. Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh, xử lý ngay và triệt để ổ dịch, đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông cơ sở triển khai mạnh mẽ những hoạt động tuyên truyền tới người dân trong cộng đồng về các biện pháp phòng chống dịch SXH.

Với công tác điều trị, các BV, cơ sở y tế có giường bệnh sẵn sàng cấp cứu và điều trị bệnh nhân, thực hiện chuyển tuyến kịp thời tránh hiện tượng bệnh nhân không được chẩn đoán và phân loại một cách chính xác, không được điều trị sớm, hợp lý dẫn đến gây tử vong. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, điều trị và các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện nhằm khống chế không để dịch SXH bùng phát, lan rộng và hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong trên địa bàn toàn tỉnh.

Ghi nhận tại BV Đa khoa tỉnh những ngày qua, bệnh nhân SXH vẫn tăng và đang được lãnh đạo BV cũng như các khoa, phòng tăng cường trong công tác điều trị. Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi cho biết: “Bệnh truyền nhiễm SXH cần được phát hiện sớm, chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời. Đừng để bệnh tiến triển nặng mới đưa đến BV. Các trường hợp nặng rất khó điều trị, biến chứng cao”. Bác sĩ Nguyệt cũng khuyến cáo người nhà không được lơ là khi thấy con em có triệu chứng như sốt cao không hạ, lơ mơ và chán ăn, bỏ bữa. Cần tìm hiểu thêm về cách chăm sóc trẻ khi sốt cao như cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol (Hapacol), lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng co giật. Tuyệt đối không tự ý cho uống thuốc aspirine, ibuprofen vì có thể gây chảy máu dạ dày. Nên cho trẻ uống nhiều nước kể cả các loại nước trái cây và ăn thức ăn lỏng nhẹ, nằm nghỉ ngơi, theo dõi các dấu hiệu trở nặng của bệnh để điều trị kịp thời. Phụ huynh cũng cần theo dõi các dấu hiệu trở nặng của bệnh SXH như nôn nhiều, đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi tiêu ra máu… Nếu có những biểu hiện này, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt. Kể cả khi trẻ hết sốt mà có một trong các dấu hiệu trên cũng phải được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Theo lãnh đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, một trong số nhiệm vụ trọng tâm của những tháng cuối năm là tập trung cho việc tổ chức các lớp tập huấn về bệnh SXH cho bác sĩ và điều dưỡng BV tuyến tỉnh, tuyến huyện và BV ngoài công lập. Bên cạnh đó là tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trong phòng bệnh. Các BV cũng sẽ triển khai hiệu quả và đồng bộ các giải pháp chống dịch, đặc biệt là bệnh SXH …

Ghi nhận trong tháng 8 đã có 4 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh. Các trường hợp này khi mắc bệnh đều đến điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập nhiều ngày, khi bệnh diễn tiến nặng hay quá nặng mới chuyển đến điều trị tại các bệnh viện tuyến cao hơn nên nguy cơ tử vong là rất cao.

 

QUỲNH NHƯ