Khám sức khỏe trước khi kết hôn: Bảo đảm hạnh phúc, nâng cao chất lượng dân số
(BDO) Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là bước dự phòng không chỉ bảo đảm hạnh phúc hôn nhân bền vững mà còn sàng lọc nâng cao chất lượng dân số.
Hàng năm, Bình Dương có hàng ngàn thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn và chuẩn bị kết hôn. Tuy nhiên, phần đông giới trẻ mới chỉ chú trọng đến việc tìm hiểu gia đình, đạo đức, tính cách, học vấn mà quên rằng sức khỏe cũng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hôn nhân. Bà Lê Thị Tuyết Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, cho rằng: “Các cặp đôi nên có kế hoạch tư vấn, khám sức khỏe trước khi cưới từ 3-6 tháng vì đây chính là thời gian trung bình để điều trị một số bệnh nếu được phát hiện”.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân góp phần nâng cao chất lượng dân số
Việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân của các cặp vợ chồng trẻ cũng được xem là hình thức sàng lọc bước một trong việc nâng cao chất lượng dân số. Tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn không chỉ bảo đảm hạnh phúc hôn nhân bền vững mà còn góp phần phòng bệnh cho xã hội, chống suy thoái nòi giống, giảm tới mức tối thiểu khả năng sinh ra những trẻ em không có đầy đủ thể lực, trí tuệ để nâng cao chất lượng dân số.
MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP NÊN HOÃN KẾT HÔN: - Bệnh lây truyền đang điều trị. - Các bệnh lây qua đường tình dục (HIV, giang mai, lao, phong…) sẽ lây bệnh cho bạn tình nếu kết hôn. Nếu có thai ngay sẽ truyền bệnh, gây bất thường cho thai nhi. - Các loại thuốc đã dùng không được kiểm soát trước khi kết hôn (ma túy, lao, basedow…) sẽ gây quái thai. - Những người đang điều trị bệnh tâm thần, thần kinh cũng không nên kết hôn. |
Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn khác với khám tổng quát, cũng không phải khám sức khỏe sinh sản hay hậu sản. Bác sĩ sẽ tập trung khám chức năng cơ bản, sức khỏe tâm thần, tình dục, sinh sản. Các bệnh lý di truyền học và gen cũng cần được xét nghiệm để bác sĩ sẽ tư vấn giải pháp góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Tư vấn, chăm sóc sức khỏe trước khi kết hôn cho nam, nữ thanh niên sẽ giúp phát hiện những dị tật ở bộ phận sinh dục, xem có sự bất thường về chức năng hoạt động tình dục và sinh sản hay về tâm thần hay không, tránh cho người bạn đời khỏi bị sốc, hoặc những bối rối không cần thiết sau khi cưới. Đặc biệt, các bác sĩ sẽ tư vấn về tình dục, mang thai an toàn và các biện pháp ngừa thai đúng cách, dự phòng một số bệnh lý, dị tật bẩm sinh (do di truyền) cho con yêu trong tương lai.
“Với những vấn đề được phát hiện khi tư vấn, chăm sóc sức khỏe trước hôn nhân cho nam, nữ thanh niên, sẽ được bác sĩ tư vấn biện pháp phòng ngừa, hay thay đổi lối sống để duy trì cuộc hôn nhân khỏe mạnh, hạnh phúc; biết rõ tình trạng sức khỏe của nhau sẽ giúp các cặp vợ chồng thấu hiểu và vun đắp một hạnh phúc trọn vẹn”, bà Lê Thị Tuyết Bình cho biết thêm.
Hiện nay, một số bệnh tật ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, hạnh phúc của đôi lứa hoặc khi sinh ra con cái sẽ mắc bệnh nan y. Đây là nỗi đau cho gia đình và gánh nặng cho xã hội. Vì vậy, nam nữ chỉ nên kết hôn khi có khả năng giao hợp bình thường, không mắc bệnh AIDS hoặc bệnh hoa liễu; không bị bệnh tâm thần phân liệt; không mắc các bệnh ác tính nặng ở một số cơ quan gan, tim, thận… mà y học hiện nay chưa giải quyết được.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, những người mang các mầm mống bệnh lý di truyền nan y cũng không nên lấy vợ, lấy chồng. Cụ thể như bệnh đao, người bệnh bị đần độn từ nhỏ, dễ mắc các bệnh khác, khó tự nuôi sống mình, nếu lấy vợ hoặc chồng thì khoảng 50% số con do họ sinh ra cũng mắc bệnh đao. Bệnh ở nam thừa một nhiễm sắc thể giới tính (hay còn gọi là bệnh Klinefelter), người bệnh có các ống sinh tinh bị xơ, không có tinh trùng, vô sinh, vú to… Bệnh ở nữ thừa một nhiễm sắc thể giới tính không có khả năng sinh con vì không hình thành được tế bào trứng. Bệnh ở nữ thiếu một nhiễm sắc thể giới tính (loạn sản tuyến sinh dục), tuy vẫn là nữ nhưng chậm phát triển, tầm vóc nhỏ, tính tình như trẻ con, không có kinh nguyệt, vô sinh… Ngoài ra, còn có một số bệnh di truyền khác cũng không nên kết hôn, như: Bệnh tan máu bẩm sinh (bệnh Thalassémie) gây vàng da, lách to, dị dạng đầu mặt; bệnh tan máu hồng cầu hình lưỡi liềm; bệnh ưa chảy máu; bệnh mù màu; bệnh lệch khớp sọ... |
KIM HÀ