Khám phá 'đế chế' của Berlusconi

Thứ năm, ngày 16/12/2010

Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi, người đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng mang gương mặt không một vết nhăn nhờ phẫu thuật, vừa một lần nữa đứng vững trước sóng gió, khiến câu chuyện về 'đế chế' của ông vẫn chưa có hồi kết.

 

Từ thương trường

 

Sinh ngày 29-9-1936 tại thành phố Milan, Silvio Berlusconi bắt đầu bộc lộ niềm đam mê kinh doanh ngay từ khi còn trẻ. Khi đó ông đã vận dụng hết sự khôn khéo để bán mọi thứ, từ những chiếc máy hút bụi cho đến những bản luận văn đại học. Thậm chí ông đã từng đi hát tại các hộp đêm và trên du thuyền để kiếm tiền.

 

Những công việc này chỉ là sự khởi động cho việc xây dựng một đế chế kinh doanh có quy mô lớn bậc nhất Italy sau này. Năm 1961, Berlusconi tốt nghiệp ngành luật và vay tiền từ ngân hàng nơi bố mình làm việc để mở công ty đầu tiên mang tên Edilnord chuyên về xây dựng.

 

Với Edilnord, Berlusconi trở thành doanh nhân phát triển nhà ở có hạng ở Milan. Trong đó ông nắm dự án khổng lồ Milano 2, bao gồm gần 4.000 căn hộ sang trọng được xây dựng theo kiểu kết hợp hệ thống vườn trang nhã ở ngoại ô phía đông thành phố từ cuối những năm 60.

 

Không dừng lại ở việc xây nhà để bán, 10 năm sau Berlusconi đã nghĩ đến cung cấp dịch vụ đi kèm và mở ra công ty truyền hình cáp địa phương Telemilano, dự án sau này đã phát triển thành đế chế truyền thông lớn nhất Italy là Mediaset.

 

 Thủ tướng Silvio Berlusconi

Ngày nay Silvio Berlusconi đã nằm trong số những người giàu nhất Italy, sở hữu khối tài sản trị giá ước tính 9 tỷ USD theo thống kê của tạp chí Forbes. Số tiền này đến từ việc ông nắm trong tay một đế chế kinh doanh trải dài nhiều lĩnh vực như truyền thông, quảng cáo, bảo hiểm, thực phẩm và xây dựng. Ngoài ra Berlusconi còn là ông bầu của đội bóng giàu truyền thống nhất Italy, AC Milan.

 

Với một số người Italy, thành công của Berlusconi với tư cách là doanh nhân là bằng chứng cho thấy khả năng của ông và đó là lý do để ông xứng đáng nắm quyền điều hành đất nước. Nhưng những người chỉ trích lại cho rằng Berlusconi đã hưởng lợi thành công chủ yếu từ đế chế truyền thông mà ông nắm trong tay.

 

Những chỉ trích của phe phản đối không phải vô căn cứ vì truyền thông chính là bàn đạp để ông bước vào chính trường. Đế chế kinh doanh của Berlusconi hiện kiểm soát 3 kênh truyền hình tư nhân lớn nhất Italy. Chưa hết, khi nắm quyền điều hành chính phủ, chính Thủ tướng Berlusconi lại bổ nhiệm lãnh đạo của 3 hãng truyền hình nhà nước khác. Ngoài ra nhà xuất bản lớn nhất Italy là Mondadori và nhật báo nổi tiếng Il Giornale cũng thuộc tài sản của Berlusconi.

 

Do đó phe đối lập thường phàn nàn rằng các cử tri Italy không thể nào thoát ra ngoài tầm ảnh hưởng của lực lượng truyền thông hùng hậu ủng hộ Berlusconi mỗi lần tranh cử. Thậm chí họ còn cho rằng thủ tướng không chỉ kiểm soát giới báo chí đơn thuần, mà còn vươn tầm ảnh hưởng cả sang các lĩnh vực khác. Ví dụ các nghệ sĩ hài từng đả kích ông trong nhiệm kỳ thủ tướng trước, đến nay không bao giờ thấy xuất hiện trở lại trên truyền hình.

Đến chính trường

 

Năm 1993, Berlusconi lập ra chính đảng của riêng mình mang cái tên đậm chất bóng đá Forza Italia (Tiến lên Italy), lấy cảm hứng từ khẩu hiệu mà người hâm mộ đội AC Milan thường hô vang. Một năm sau, Berlusconi đạt được thứ mình muốn là lần đầu tiên nắm ghế thủ tướng, lập ra một liên minh chính trị với các đảng cánh hữu là National Alliance và Northern League.

 

Nhưng cuộc đấu đá giữa lãnh đạo ba đảng trong liên minh cộng với việc Berlsuconi bị toà án Milan cáo buộc tội trốn thuế đã khiến chính phủ do ông đứng đầu sụp đổ chỉ 7 tháng sau khi thành lập. Sau đó trong cuộc bầu cử năm 1996, Berlusconi đã thất bại trước thủ lĩnh đảng cánh tả Romano Prodi.

 

Thất bại nặng nề này vẫn không khiến Berlusconi từ bỏ tham vọng chính trị và dành vài năm tiếp theo để tổ chức lại đảng Forza Italia chờ cơ hội "phục thù". Thành quả đến vào năm 2001 khi ông quay lại nắm ghế thủ tướng lần thứ hai và đảng ông lại tiếp tục liên minh với các đối tác cũ từ năm 1994.

 

Nhưng tới năm 2006, cơn ác mộng 10 năm trước của Berlusconi lại hiện về khi một lần nữa ông thất bại trước đối thủ cũ Romano Prodi trong cuộc tổng tuyển cử. Dù vậy việc ông rời ghế thủ tướng được cho là với tư thế ngẩng cao đầu vì khi đó ông đã lập kỷ lục là người có thời gian điều hành chính phủ lâu nhất Italy kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

 

Thất bại lần thứ hai vẫn chưa đủ để khiến Berlusconi "buông súng" trên chính trường. Năm 2007, sau một lần đột quỵ và bày tỏ muốn nghỉ ngơi, ông bất ngờ tuyên bố thành lập một đảng mới thuộc phe trung hữu mang tên People of Freedom (PDL), bằng cách hợp nhất đảng Forza Italia của mình với đảng cánh hữu National Alliance của đồng minh đầy duyên nợ Gianfranco Fini.

 

Khi đó Berlusconi tuyên bố với những người ủng hộ rằng ông đã được đảng của mình thuyết phục ra tái tranh cử vì họ coi ông là "người không thể thay thế". Trong chiến dịch tranh cử lần thứ ba trong sự nghiệp năm 2008, có vẻ như tuổi già bắt đầu là một trở ngại của Berlusconi. "Những người nghĩ rằng tôi quá già để điều hành một đất nước hiện đại, có thể là họ đúng", BBC dẫn lời Berlusconi thừa nhận.

 

Tuy nhiên, trước công chúng Berlusconi luôn tỏ ra là người còn tràn trề sinh lực. Gần đây nhất là vụ ông bị một người tấn công ngay trên phố ở Milan vào tháng 12-2009, ông đã lập tức bước ra khỏi xe với gương mặt be bét máu chỉ để chứng tỏ với đám đông rằng ông không hề bị thương nặng. Trên thực tế, Thủ tướng Berlusconi có vẻ ngoài trẻ hơn nhiều so với tuổi, một phần vì ông đã phẫu thuật thẩm mĩ quanh vùng mắt và can thiệp vào màu tóc tự nhiên, điều mà ông công khai thừa nhận.

 

Sự nghiệp thăng trầm

 

Sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Silvio Berlusconi thường xuyên bị thử lửa theo kiểu Italy. Đó là những cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện và Thượng viện nước này. Trong cuộc bỏ phiếu mới nhất ngày 14-2, một lần nữa Berlusconi lại vượt qua và điều này đã làm nổ ra các cuộc biểu tình phản đối tại một số nơi.

 

Trong đời làm chính trị, Berlusconi đã nhiều lần bị "bầm dập" bởi những vụ việc do cả người trong nhà lẫn phe đối thủ châm ngòi. Một trong những thách thức lớn nhất trong sự nghiệp cả trên thương trường và chính trường của ông là những vụ điều tra liên quan đến hoạt động kinh doanh.

 

Berlusconi từng nhiều lần bị cáo buộc tội biển thủ, lậu thuế, sổ sách không minh bạch và âm mưu hối lộ một thẩm phán. Một số vụ đã khiến Berlusconi ra toà, trong đó ông có cả thắng lẫn thua, nhưng cứ đến phiên toà phúc thẩm thì ông này lại trắng án, hoặc hết hạn điều tra xét xử trước khi đưa ra phán quyết.

 

Bản thân Thủ tướng Berlusconi luôn khẳng định mình không làm gì sai trái và cũng chưa bao giờ ông bị buộc tội một cách hoàn toàn. Những người chỉ trích có thể phàn nàn rằng có nhiều uẩn khúc để khiến Berlusconi chưa bao giờ thất bại trước toà án. Nhưng xét một cách công bằng, thời gian làm thủ tướng của ông cũng ghi dấu ấn với nhiều sự kiện.

 

Trong số này có thể kể đến cách giải quyết hậu quả của vụ động đất ở thành phố cổ L'Aquila năm 2009. Sự can thiệp kịp thời và kiên quyết của ông với tư cách người đứng đầu chính phủ đã ngăn một thảm hoạ khác có thể tồi tệ hơn. Nếu so sánh việc cựu tổng thống Mỹ George Bush đã phản ứng trong cơn bão Katrina ở New Orleans năm 2005 là thất bại, thì cách giải quyết trận động đất ở L'Aquila của Thủ tướng Berlusconi có thể được coi là thành công.

 

L'Aquila có thể coi là một "dấu son" trong sự nghiệp làm thủ tướng đã trải qua vài nhiệm kỳ của Berlusconi. Nhưng đây chưa phải là điểm sáng duy nhất. Ông cũng từng đóng vai trò chủ chốt trong việc cứu hãng hàng không quốc gia Alitalia, giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải ở Napoli và đạt được thoả thuận với Libya về vấn đề giải quyết nạn nhập cư bất hợp pháp từ Bắc Phi.

 

Thậm chí những người ủng hộ còn vận động để Berlusconi được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực trong việc tìm cách chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Gruzia năm 2008.

 

Cuộc sống riêng tư của doanh nhân kiêm chính trị gia mang gương mặt "chống nhăn" Silvio Berlusconi cũng góp phần khiến ông có một sự nghiệp chính trị đầy biến động. Đặc biệt là trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba bắt đầu từ năm 2008 đến nay, Berlusconi đã liên tục đối mặt với những rắc rối cá nhân.

 

Tháng 5-2009, người vợ hai của Berlusconi là Veronica Lario cho biết bà muốn li dị chồng và công khai nói với một tờ báo rằng bà không thể chung sống thêm với người đàn ông "có quan hệ với trẻ con". Cơn thịnh nộ này bắt đầu từ việc Berlusconi xuất hiện trong các bức ảnh chụp tiệc sinh nhật 18 tuổi của người mẫu Noemi Letizia. Có tin cho rằng ông đã mua cho cô người mẫu đáng tuổi con gái mình này món quà là một chiếc dây chuyền vàng có gắn kim cương.

 

Người đứng đầu chính phủ Italy còn nhiều lần phải lên tiếng phủ nhận cáo buộc ông đã trả tiền cho gái mại dâm để họ đến dự tiệc tại dinh thự chính thức của ông. Ngoài ra chính trị gia này cũng đối mặt với một vụ bê bối khác khi xuất hiện các bức ảnh chụp những cô gái ngực trần cùng một người đàn ông khoả thân được cho là Berlusconi tại biệt thự riêng trên đảo Sardinia. Thêm vào đó là tin đồn một ngôi sao đã mượn chiếc chuyên cơ của thủ tướng Italy để ra đảo này du hí.

 

Trong khi đó, Berlusconi một mực khẳng định ông không làm điều gì phải xin lỗi và phủ nhận hoàn toàn việc trả tiền cho gái mại dâm. Nhưng theo BBC, một thông tin xuất hiện hồi tháng 10 vừa qua cho rằng, chính thủ tướng Italy từng gọi tới đồn cảnh sát ở thành phố Milan để yêu cầu thả vũ nữ hộp đêm 17 tuổi người Marốc có biệt danh Ruby, đang bị tạm giữ vì tội ăn cắp. Cô gái này cũng được cho là từng tham dự các bữa tiệc tai tiếng của ông Berlusconi.

 

Tuy đối mặt với hàng loạt chỉ trích và cáo buộc bê bối, chiếc ghế thủ tướng của ông Silvio Berlusconi vẫn đứng vững. Bằng chứng mới nhất là việc ông vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 14-12 và tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba của mình. Đây được coi là chiến thắng ngoạn mục của Berlusconi vì nếu không vượt qua, nhiều khả năng sự hiện diện trên chính trường Italy của ông đã chấm dứt hoàn toàn.

 

Theo VNE