Khám phá “chân trời mới” từ giáo dục thông minh

Thứ hai, ngày 05/02/2024

(BDO)  Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong chiến lược phát triển Bình Dương trở thành đô thị thông minh nói riêng và cho cả nước nói chung, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Bình Dương đã không ngừng đổi mới, hội nhập với nền giáo dục tiên tiến và hiện đại. Trong đó, giáo dục thông minh là hướng đi đang được Bình Dương thực hiện.

 Mt tiết hc ti phòng hc thông minh ca thy và trò trưng THCS Nguyn Th Minh Khai, TP.Th Du Mt

 Những “trợ giảng” đắc lực

Đây là năm học thứ 3 liên tiếp giáo viên (GV) và học sinh (HS) trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Thủ Dầu Một) tiếp cận và làm quen với phòng học được trang bị những thiết bị tiên tiến, hiện đại, bước đầu hướng tới phòng học thông minh. Trong một lần ghé thăm trường, chúng tôi may mắn được tham dự một tiết dạy học tại phòng học này. Khi bước vào phòng, chúng tôi khá ngạc nhiên khi tiết học hôm đó GV đã gác lại “phấn trắng, bảng đen” và thay vào đó là các bài giảng được chuyển tải bằng các phương tiện kỹ thuật số. Không gian lớp học được trang bị đầy đủ các công cụ dạy học hiện đại và được kết nối các thiết bị như mô hình robot lắp ghép, màn hình cảm ứng tương tác Smart TV được tích hợp đầy đủ các dữ liệu cần thiết: Sách giáo khoa điện tử, giáo trình điện tử bộ môn…

 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3776/KH-UBND về việc thực hiện đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030”. Kế hoạch đã đặt ra mục tiêu đến 2030 sẽ đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân vào môi trường số.

Xuyên suốt giờ học, GV và HS tương tác qua hình ảnh trực quan sinh động. Tiết học ngày càng sôi nổi hơn khi các em HS được thỏa sức sáng tạo và tự tay thực hành lắp ráp mô hình xe nâng tự động. Em Phạm Đặng Nhã Vy, học sinh lớp 6A2, chia sẻ: “Em rất hào hứng với tiết học này vì các bài giảng của thầy cô dễ hiểu. Tất cả chúng em đều bị cuốn hút bởi các yếu tố công nghệ thông minh đó là hình ảnh, video, các mô hình trực quan sinh động. Trong giờ học, chúng em được thực hành trực tiếp, tương tác nhiều hơn với GV. Em rất mong sau này sẽ có nhiều tiết học như thế này”.

Theo thầy Nguyễn Văn Thanh, GV môn khoa học tự nhiên, trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, lợi ích của những phòng học này đó là sự tương tác giữa GV và HS. Với các thiết bị, phần mềm mới, HS là người đóng vai trò chính trong các tiết học và GV chỉ là người hỗ trợ, hướng dẫn. Phòng học thông minh hỗ trợ tốt cho các hoạt động làm việc nhóm, hoạt động học và luyện kỹ năng viết, HS thuyết trình sinh động. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy mà một số bài thông thường vốn trừu tượng, khô khan đã trở nên trực quan, sinh động, hấp dẫn, kích thích được sự tò mò, trí tưởng tượng của HS.

Cũng giống như trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, câu chuyện về phòng học thông minh của GV và HS trường Tiểu học Uyên Hưng B (TP.Tân Uyên) vẫn là một “đề tài” được nhắc đến nhiều nhất với hiệu ứng tích cực và mới mẻ. Thầy Cao Khắc Trí, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc phòng học được trang bị các thiết bị thông minh đã thực sự giúp nhà trường nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Điều này còn giúp cán bộ, GV và HS từng bước tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện tại, 100% GV của trường đã được tập huấn về tính năng, cách sử dụng của các thiết bị và hướng dẫn thiết kế hoạt động bài giảng tương tác, cách thức tổ chức lớp học, sử dụng bộ thiết bị robotics nhằm đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng mới”.

Hướng tới xây dựng trường học thông minh

Những năm gần đây, ngành GD&ĐT tỉnh đã và đang từng bước thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng, xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số. Với mục tiêu tạo ra đội ngũ GV, HS đáp ứng được phần nào yêu cầu trong việc tiếp nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trở thành những công dân số, công dân toàn cầu trong tương lai, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã đưa các thiết bị thông minh vào dạy học. Từ những thiết bị thông minh, thay vì những bài giảng khô khan, GV đã đưa những bài giảng đa phương tiện vào các tiết học. Đồng thời, GV còn sử dụng các phần mềm hiện đại nhất trong giáo dục vào triển khai như Violet, ActivInspire, sách giáo khoa điện tử…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, ngành GD&ĐT tỉnh sẽ hướng tới việc xây dựng trường học hạnh phúc ở tất cả các cấp học và đẩy mạnh công tác chuyển đổi số để xây dựng trường học thông minh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh thời gian tới. Quá trình xây dựng trường học thông minh, các trường cần vận dụng linh hoạt cơ sở vật chất hiện có, nâng cao chất lượng giảng dạy, hướng dần đến quản trị thông minh. Năm 2024, ngành sẽ triển khai thí điểm mô hình trường học thông minh tại một số trường THCS, THPT đáp ứng tốt các yêu cầu theo bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số. Sau khi đánh giá hiệu quả của mô hình thí điểm, từ năm học 2024-2025 trở đi, ngành sẽ triển khai mở rộng đối với các trường THCS, THPT còn lại trong tỉnh.

Thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã có nhiều giải pháp để ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy. Và trong giai đoạn hiện nay, xây dựng trường học thông minh, trường học hạnh phúc đã và đang là điểm đến cho hành trình phát triển nền giáo dục thông minh.

 Toàn tỉnh hiện có 52 phòng học được đầu tư các trang thiết bị thông minh. Những tiết học tại phòng học này đã trở nên vô cùng sinh động, hấp dẫn nhờ những “trợ giảng” đắc lực là các trang, thiết bị dạy học hiện đại. Dù vẫn còn nhiều bỡ ngỡ với phương pháp mới, tuy nhiên, những phòng học này đã mở ra một “chân trời mới” cho toàn ngành GD&ĐT với những trải nghiệm mới mẻ, thú vị.

HỒNG PHƯƠNG