Khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp: Bước tiến quan trọng của ngành y tế

Thứ năm, ngày 22/06/2023

(BDO) Theo số liệu thống kê, hiện nay 100% cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh thực hiện tra cứu thông tin bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Đây là bước tiến lớn trong cải cách hành chính, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, nâng cao chất lượng KCB.

 Y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn người dân KCB bằng CCCD gắn chíp

 Tiện ích cho người dân

Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay thế nhiều giấy tờ, thủ tục trong KCB BHYT đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Thay vì mất thời gian làm thủ tục giấy tờ, người dân sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng, các cơ sở y tế cải thiện chất lượng dịch vụ KCB BHYT.

Tại Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng, bệnh nhân khi đến khám bệnh chỉ cần xuất trình CCCD gắn chíp mà không cần dùng thẻ BHYT. Tuy nhiên, số bệnh nhân dùng CCCD gắn chíp để thay BHYT trong KCB còn chưa nhiều nên trung tâm thường xuyên thông tin cho người bệnh rõ việc có thể dùng CCCD gắn chíp để thay thế BHYT và các giấy tờ khác. Bệnh nhân Trần Văn Mót, điều trị tại Khoa Nội cho biết: “Sử dụng CCCD gắn chíp KCB, tôi không cần phải đem thẻ BHYT đi mà vẫn được giải quyết quyền lợi BHYT và cũng không phải mất thời gian chờ đợi”.

Trao đổi với P.V, bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An, cho biết: “Để triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp, trung tâm đã xây dựng quy trình đón tiếp, thiết bị đầu đọc CCCD gắn chíp tại cửa Khoa Khám bệnh và các khoa, đáp ứng nhu cầu KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp của người dân. Việc sử dụng CCCD gắn chíp trong KCB BHYT giúp cơ quan quản lý tiết kiệm được chi phí cấp phát thẻ, chống lạm dụng và trục lợi Quỹ KCB BHYT”.

Bệnh viện Quốc tế Becamex là đơn vị dẫn đầu trong chuyển đổi số. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.000 lượt bệnh nhân đến khám và có khoảng 200 - 250 bệnh nhân điều trị nội trú. Với mục tiêu đạt “bệnh viện thông minh” vào năm 2025, Bệnh viện Quốc tế Becamex đẩy mạnh triển khai thực hiện “bệnh viện không giấy”. Hiện nay, dây chuyền khám bệnh của bệnh viện không cần in giấy (chỉ in bảng kê để làm chứng từ thanh toán), sử dụng chữ ký, phát triển HIS (phần mềm quản lý thông tin bệnh viện) ngoại trú. Do vậy, các y, bác sĩ và bệnh nhân không còn phải cầm theo giấy tờ khi thăm khám, mất thời gian chờ làm thủ tục. Mỗi bệnh nhân chỉ mất khoảng 1 phút để làm thủ tục và không còn phải lo lắng về việc lưu trữ giấy tờ, sổ sách khám bệnh.

Nhiều bước tiến quan trọng

Tính đến ngày 13-6, các cơ sở KCB công lập và tư nhân đã mua 186 đầu đọc thẻ CCCD gắn chíp để phục vụ KCB. Qua triển khai, đã có hơn 1,8 triệu thẻ BHYT được cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tích hợp qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, 177/177 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp với hơn 1 triệu lượt người bệnh tra cứu thành công.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết trong khoảng thời gian từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5, Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra, rà soát 25 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh công bố đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe. Căn cứ các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh về việc cung cấp, liên thông, đẩy dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe điện tử lên cổng BHYT, qua rà soát, đến nay có 17/25 cơ sở y tế đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe.

Trong tổng số 17 cơ sở trên, chỉ có 16 cơ sở y tế đủ điều kiện cung cấp giấy khám sức khỏe lái xe điện tử lên cổng BHYT. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 10.200 giấy khám sức khỏe lái xe điện tử ký số, trong đó có 3.334 giấy qua phương thức API (phương thức trung gian kết nối các ứng dụng và thư viện khác nhau) và 6.946 giấy nhập thủ công trực tiếp trên cổng dữ liệu BHYT. Qua rà soát của cơ quan công an, toàn tỉnh có 27 cơ sở y tế đã được cung cấp và triển khai nhập thông tin lưu trú của người bệnh, thân nhân người bệnh. Tích lũy đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 23.800 trường hợp thông tin người bệnh được đẩy lên cổng thông tin.

Hiện nay, khó khăn nhất của ngành y tế trong triển khai Đề án 06 là trên địa bàn tỉnh có nhiều trẻ em, học sinh và người dân không đăng ký thường trú hoặc tạm trú nên có CCCD nhưng thông tin lại không có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dẫn đến việc không thể xác thực dữ liệu.

 Ngành y tế tỉnh đề xuất BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh hỗ trợ, cung cấp tài khoản cho Sở Y tế và các cơ sở KCB BHYT theo dõi, tổng hợp số liệu bệnh nhân KCB bằng CCCD gắn chíp để phối hợp chỉ đạo. Ngành cũng kiến nghị UBND huyện, thị, thành phố quan tâm bố trí kinh phí mua sắm đầu đọc thẻ CCCD gắn chíp; phối hợp chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền KCB bằng CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID. Đối với Tổ công tác Đề án 06, cần tăng cường xác thực, chuẩn hóa thông tin của người được cấp CCCD với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu BHYT nhằm đồng bộ thông tin trên CCCD của người dân.

 HOÀNG LINH