Khai thác tốt tiềm năng để du lịch phát triển – Kỳ 1
Kỳ 1: Du lịch miệt vườn - Tiềm năng lớn
Quyết định 45 của UBND tỉnh Bình Dương về việc hỗ trợ các hộ nông dân khôi phục vườn cây ăn trái Lái Thiêu (TX.Thuận An) đã tạo ra hiệu ứng tốt, giúp hàng trăm hộ nông dân tại Bình Dương khôi phục lại vườn cây ăn trái. Bên cạnh đó, việc xây dựng thành công thương hiệu măng cụt Lái Thiêu, sắp tới rất có thể là bưởi Bạch Đằng (TX.Tân Uyên)… đã mở toang cánh cửa giúp nhiều hộ nông dân bắt đầu tính toán đến việc làm du lịch dựa trên lợi thế vườn cây ăn quả của mình.
Nông dân xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên có kinh nghiệm trồng trái cây trái mùa có thể làm đa dạng hóa vùng cây ăn trái đặc trưng cho Bình Dương.
Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Sản phẩm phải đa dạng
Ông Hai Hùng ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên có gần 2 ha bưởi đang cho những vụ mùa bội thu. Ông cũng thường xuyên đón khách về vườn bưởi của mình để tham quan và thưởng thức giống bưởi Bạch Đằng. Ông Hùng cho biết, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây bưởi vẫn chưa làm ông hài lòng, bởi theo ông nếu khai thác thêm yếu tố du lịch thì giá trị từ cây bưởi đem lại còn nhiều hơn nữa. “Được địa phương hỗ trợ cho đi học hỏi làm du lịch miệt vườn tại một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long tôi thấy, nhiều vườn trái cây tại đây không đẹp bằng ở Bình Dương nhưng người ta đã tận dụng làm du lịch rất tốt. Đó là điều cần học hỏi để nâng cao giá trị bưởi Bạch Đằng”, ông Hùng chia sẻ.
Hiện xã Bạch Đằng đã thành lập Tổ hợp tác trồng bưởi với hàng chục thành viên, diện tích vườn bưởi gần 10 ha; nhiều hội viên có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, Bạch Đằng nằm ven sông Đồng Nai, phong cảnh hữu tình, có nhiều cánh đồng, đường giao thông thông suốt nối liền xã với các trung tâm lớn của tỉnh Bình Dương, nối Bình Dương với Đồng Nai, Bình Phước… rất phù hợp để phát triển du lịch. Nhưng theo các nhà chuyên môn, những thuận lợi nói trên mới là điều kiện cần để làm du lịch.
Cũng cần ghi nhận sự linh hoạt, sáng tạo của một số nông dân ở xã Bạch Đằng. Hiện nay, bên cạnh đặc sản bưởi, nhiều hộ nông dân ở đây cũng đã bắt đầu sáng tạo thêm những món ăn như gỏi bưởi, rượu bưởi, kẹo bưởi… nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Bí thư Đảng ủy xã An Sơn, TX.Thuận An trăn trở, ở vùng An Sơn và các phường thuộc TX.Thuận An sở hữu hàng trăm héc-ta măng cụt rất thuận lợi cho du lịch phát triển. Nhưng bản thân các hộ dân ở đây vốn liếng kinh doanh lẫn kiến thức làm du lịch còn rất hạn chế. Riêng lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín mới chỉ thỏa mãn nhu cầu giới thiệu đặc sản Lái Thiêu với bạn bè trong và ngoài nước, chưa thể trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng kéo dài quanh năm ở vùng đất này.
Theo bà Vân, để làm du lịch, cần đa dạng loại hình cây ăn quả. Mùa măng cụt chỉ kéo dài 6 tháng, sau mùa trái cây vùng Lái Thiêu không còn đặc sản gì bán cho du khách nên rất khó lôi kéo khách đến tham quan, mua sắm. Hiện xã An Sơn cũng đang tiến hành đa dạng hóa các loại trái cây, giúp vùng đất màu mỡ này có hoa trái bốn mùa để thỏa mãn nhu cầu của du khách.
“Một nhà” thì chưa đủ
Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Khu bảo tồn đa dạng sinh học Làng Tre (xã Phú An, TX.Bến Cát) hình dung về “con đường trái cây” nối liền măng cụt Lái Thiêu, măng Làng Tre, bưởi Bạch Đằng có thể tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo. Bản thân Khu bảo tồn đa dạng sinh học Làng Tre cũng đã cố gắng tạo ra một vùng du lịch sinh thái nhưng bước đầu chỉ mới đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, bảo tồn đa dạng sinh học. Làng Tre mới trình làng mứt măng, một món ăn rất độc đáo là sự cố gắng của tập thể cán bộ, nhân viên khu bảo tồn trong việc kết nối đặc sản với các vùng chuyên canh cây trái trong tỉnh. Măng Làng Tre, măng cụt Lái Thiêu hay bưởi Bạch Đằng đang cần sự định hướng cụ thể cùng với những chính sách ưu đãi, cơ chế thông thoáng để hình thành nên “con đường trái cây” hay “con đường sinh thái”, qua đó từng bước giúp ngành du lịch của Bình Dương phát triển mạnh.
Thạc sĩ Dương Hoàng Lộc, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh cho rằng, muốn làm tốt du lịch miệt vườn cần xây dựng những nét văn hóa liên quan tới đất và con người ngay tại khu du lịch. Chẳng hạn như măng cụt Lái Thiêu, Bình Dương cần xây dựng hình ảnh trái măng cụt với đầy đủ thông điệp văn hóa, lịch sử, nguồn gốc trái măng cụt tại Lái Thiêu. Phải làm cho du khách hiểu được tại sao măng cụt Lái Thiêu ngon hơn măng cụt nơi khác, thậm chí phải khai thác triệt để những câu chuyện mang tính dân gian hay giai thoại liên quan đến trái măng cụt. Bên cạnh đó, du lịch không thể tách liền văn hóa, vì khách du lịch vừa có nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn vừa có nhu cầu trau dồi thêm kiến thức văn hóa, tâm linh.
Bà Võ Thị Anh Xuân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Bình Dương cho rằng, Bình Dương muốn làm tốt du lịch thì phải có sản phẩm, có sản phẩm thì mới tiến hành marketing, chào bán. Vì thế, phát triển du lịch miệt vườn cần sự vào cuộc của “nhiều nhà”: nhà văn hóa, nhà nông, nhà doanh nghiệp và không thể thiếu sự điều hành của Nhà nước. Điều đáng mừng là lĩnh vực du lịch đã được đưa vào dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020. Đây chính là bước đi cần thiết trong việc phát triển du lịch thành một ngành công nghiệp không khói mang lại nhiều giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cho các “chuỗi nhà” trong liên kết du lịch của Bình Dương.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ (trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh) thì khẳng định, xu thế chung của thế giới là con người hướng về thiên nhiên. Bình Dương đã có tiềm năng là vườn cây sinh thái, các hộ nông dân đang chứng tỏ sự năng động của mình nhưng với đồng vốn ít, kiến thức hạn chế, đa số còn làm du lịch tự phát. Việc tỉnh Bình Dương “đặt hàng” cho trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng đề án “Phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề” chính là sự khởi đầu cho việc định hình sản phẩm du lịch tại Bình Dương để từng bước khai khác hiệu quả tiềm năng mà tỉnh nhà đang sở hữu.
Kỳ 2: Du lịch làng nghề - khách phải được trải nghiệm
PHÙNG HIẾU