Khai thác tiềm năng về hợp tác thương mại Việt-Ấn
Theo Bộ Công Thương Việt Nam, hiện tại Ấn Độ đã trở thành một trong mười đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trao đổi thương mại hai chiều không ngừng tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008-2012 là 12,2%/năm, trong đó tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt bình quân 46,3%/năm và tăng trưởng nhập khẩu từ Ấn Độ đạt bình quân 1,1%/năm. Riêng 5 tháng đầu năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,24 tỉ USD, Việt Nam xuất khẩu đạt 1,02 tỉ USD và nhập khẩu đạt 1,22 tỉ USD.
Tính đến tháng 4/2013, Ấn Độ có hơn 70 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư khoảng 252 triệu USD. Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng giữa hai nước cũng không ngừng được củng cố, mở rộng qua những dự án đầu tư, liên doanh cụ thể ở nhiều ngành như dệt may, da giày, hóa chất, thép…
Ông Lê Thái Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Tây-Nam Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn còn rất lớn, đặc biệt ở lĩnh vực thương mại, công nghiệp, năng lượng… Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ đã được ký kết sẽ tạo thêm nhiều động lực mới, thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng, khai thác các lợi thế từ những Hiệp định về thương mại hàng hóa, dịch vụ… cần có sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, các cơ quan hữu quan Việt Nam-Ấn Độ nên tăng cường hơn nữa những hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp về thông tin thị trường, cơ hội giao thương.
Theo ông Talleen Kumar, Vụ trưởng Vụ Xúc tiến và Chính sách Công Nghiệp (Bộ Công Thương), trong những năm gần đây Chính phủ nước này tích cực thực hiện nhiều cải cách nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, chú trọng tạo điều kiện hấp dẫn đầu tư nước ngoài.
Cụ thể Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài bằng những chính sách minh bạch, hạn chế thủ tục hành chính; chính sách tăng tỉ trọng ngành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; đầu tư Nhà nước trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, hỗ trợ và đảm bảo môi trường kinh doanh.
Các nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu đầu tư, kinh doanh tại Ấn Độ, sẽ được giới thiệu, hướng dẫn quy trình sử dụng dịch vụ trực tuyến trên Internet trong việc thực hiện thủ tục đăng ký giấy phép, bảo vệ quyền thương hiệu, sở hữu trí tuệ.
Tại hội nghị lần này, đoàn doanh nghiệp Ấn Độ gồm các công ty hoạt động ở lĩnh vực chế biến thực phẩm, thủy sản, sản xuất phụ tùng ôtô, logistics, xây dựng hạ tầng, năng lượng, hóa chất, viễn thông… đã có cơ hội giao lưu, gặp gỡ trực tiếp những doanh nghiệp Việt Nam cùng ngành nghề.
Theo TTXVN