Khai thác tiềm năng, nâng tầm nông sản địa phương

Thứ năm, ngày 07/10/2021

(BDO) Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ. Đây được xem là một trong những giải pháp hiệu quả giúp khai thác tiềm năng, lợi thế, nâng tầm giá trị nông sản địa phương.

 Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xem xét, đánh giá phân hạng các sản phẩm tham gia dự thi

Hiệu quả bước đầu

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông (NN&PTNT), tỉnh đã ban hành Đề án OCOP giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, với mục tiêu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đợt I-2021, toàn tỉnh có 36 hồ sơ của 24 chủ thể (7 công ty, 6 hợp tác xã, 11 hộ đăng ký kinh doanh) tham gia dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP tỉnh. Trong đó, huyện Phú Giáo có 4 hồ sơ, huyện Bắc Tân Uyên 22 hồ sơ, TX.Bến Cát 2 hồ sơ và TX.Tân Uyên 8 hồ sơ. Có 36 sản phẩm thuộc các lĩnh vực, gồm: 31 sản phẩm nhóm thực phẩm tươi sống, 1 sản phẩm nhóm đồ uống có cồn, 1 sản phẩm nhóm đồ uống không cồn, 2 sản phẩm nhóm dược liệu và 1 sản phẩm không thuộc nhóm sản phẩm theo quy định.

Căn cứ hồ sơ sản phẩm theo đề xuất của các huyện, tổ tư vấn đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt I-2021 trên địa bàn tỉnh, như sau: Không có sản phẩm đề nghị công nhận đạt 5 sao; 8 sản phẩm đề nghị công nhật đạt 4 sao; 22 sản phẩm đề nghị công nhận đạt 3 sao; 5 sản phẩm đạt mức phân hạng 2 sao, có 1 sản phẩm không đánh giá phân hạng.

Theo ngành chức năng, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo bộ tiêu chí. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 5 hạng sao. Trong đó, đạt hạng 5 sao là sản phẩm cấp quốc gia, có tiềm năng xuất khẩu; hạng 3, 4 sao là sản phẩm cấp tỉnh; hạng 2 sao sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, hạng 1 sao là sản phẩm khởi điểm tham gia chương trình. Công tác đánh giá, phân hạng được chia làm 3 cấp (cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương). Tất cả các sản phẩm tham gia OCOP bắt buộc phải tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm theo quy định.

Thông qua việc đánh giá, xếp hạng, người dân sẽ hiểu được yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm. Từ đó nghiên cứu phát triển, cải tiến sản phẩm, triển khai tổ chức sản xuất, kinh doanh để được xếp hạng cao hơn. Mặt khác, đây là cơ sở để cơ quan quản lý, điều hành chương trình OCOP kiến tạo sự phát triển, thông qua việc triển khai chu trình OCOP thường niên, nhằm gắn kết sự hợp tác, liên kết giữa các nhà tư vấn, doanh nghiệp với các tổ chức kinh tế (còn gọi là chủ thể) tham gia chương trình, xây dựng và hoàn thiện thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại sản phẩm địa phương hướng đến toàn cầu.

Tiếp tục phát triển

Ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết việc triển khai OCOP trên địa bàn là một giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát huy thế mạnh vườn cây ăn trái của địa phương. Do đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tất cả các cấp, các ngành, các chủ thể kinh tế và nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của OCOP. Đối với các sản phẩm lựa chọn tham gia OCOP, huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, xây dựng dữ liệu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khắt khe mà OCOP đưa ra.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết để đạt mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tham gia OCOP được công nhận đạt từ 3 sao đến 5 sao; giới thiệu các đơn vị tư vấn có năng lực để hỗ trợ các địa phương cũng như các chủ thể tham gia chương trình; đồng thời, tổ chức tập huấn cho các đối tượng là cán bộ quản lý chương trình các cấp và chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, ngành nông nghiệp tập trung một số giải pháp chủ yếu để tăng cường hiệu quả trong quá trình triển khai OCOP; xúc tiến, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm OCOP; xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu OCOP Bình Dương; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP chủ lực; thành lập điểm giới thiệu và bán sản phẩm; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ; hỗ trợ đăng ký tem truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, sở sẽ kết hợp lồng ghép các dự án liên quan như dự án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch sinh thái, dự án phát triển vườn cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái, dự án hình thành vùng sản xuất và cung ứng các loại sinh vật cảnh vùng phía nam Bình Dương.

Với tinh thần làm đến đâu chắc đến đó, chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đang từng bước triển khai thực hiện với kỳ vọng trong các năm tiếp theo có nhiều sản phẩm đặc sản, truyền thống của các địa phương nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

 Mục tiêu cụ thể của Bình Dương giai đoạn 2021-2025: Duy trì chu trình OCOP thường niên (hàng năm) liên tục theo 6 bước, tuần tự như sau: Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án, dự án sản xuất, kinh doanh; triển khai phương án, dự án sản xuất, kinh doanh; đánh giá và xếp hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại. 100% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Ít nhất 150 chủ thể đăng ký tham gia chương trình. Ít nhất 80 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao được chứng nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP (tỉnh, huyện, xã) và lãnh đạo các doanh nghiệp/hợp tác xã tham gia OCOP thông qua đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh.

 THOẠI PHƯƠNG