Khai thác thị trường tiềm năng

Thứ năm, ngày 14/12/2023

(BDO) Đông Nam bộ là vùng sở hữu tiềm năng, lợi thế vượt trội cả về tự nhiên, lợi thế so sánh, cạnh tranh, vị trí địa lý, kinh tế... Khu vực này đang vươn mình đảm nhiệm là đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển thương mại, công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất của cả nước. Nơi đây được đánh giá là khu vực tiềm năng cho quá trình dịch chuyển và tái cấu trúc chuỗi cung ứng, tạo cơ hội cho DN Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Hội nghị xúc tiến thương mại - mở rộng thị trường xuất nhập khẩu vùng Đông Nam bộ được tổ chức nhằm thực hiện quan điểm, định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, về việc giao nhiệm vụ tăng cường triển khai các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh xuất khẩu vàđẩy mạnh liên kết vùng, tăng năng lực cạnh tranh cho các nguồn cung hàng xuất khẩu từ khu vực Đông Nam bộ. Đồng thời, triển khai các định hướng phát triển xuất nhập khẩu sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường bảo đảm phù hợp với các quy định mới của thị trường châu Âu, các cam kết của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và lộ trình thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam vào năm 2050.

Hội nghị đã kết nối các DN, chia sẻ những thông tin của hai thị trường xuất nhập khẩu chính của Việt Nam là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông Hứa Ninh Ninh, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp (RCEP), Chủ tịch điều hành Hội đồng thương mại Trung Quốc - ASEAN, khẳng định Trung Quốc là thị trường tiêu dùng lớn và có nhiều tiềm năng nhất trên thế giới với nhu cầu về thực phẩm, quần áo, nhà ở, giao thông và văn hóa tinh thần là rất lớn. Nắm bắt được đặc điểm mới của thị trường tiêu dùng Trung Quốc sẽ giúp các DN Việt Nam khai thác thị trường Trung Quốc tốt hơn nữa. Điểm cần chú ý là giới trẻ Trung Quốc đã trở thành lực lượng chính trên thị trường tiêu dùng, sẵn sàng chi trả mạnh mẽ hơn cho sự mới mẻ, cá tính, chất lượng, trải nghiệm của sản phẩm với phương thức mua sắm trực tiếp hoặc trực tuyến. Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng, an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường và các thuộc tính khác của sản phẩm, sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu.

Tập đoàn Walmart Hoa Kỳ cũng khẳng định Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng hàng hóa khu vực châu Á. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống của Walmart toàn cầu với hàng tỷ USD hàng hóa mỗi năm. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang tập trung phần lớn vào các mặt hàng như dệt may, da giày, thực phẩm… Thời gian tới, Walmart sẽ tập trung mở rộng hoạt động thu mua sang các nhóm mặt hàng gia dụng, thiết bị điện - điện tử, đồ chơi các loại…

KHẢI ANH