Khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước bền vững

Thứ năm, ngày 22/06/2023

(BDO)  Ngày 1-2-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Nghị định số 02/2023/NĐ-CP (Nghị định 02) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Để hiểu rõ hơn về những điểm mới và ý nghĩa quan trọng của Nghị định 02, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT).

 Hoạt động kiểm tra khai thác nước giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong lĩnh vực tài nguyên nước. Trong ảnh: Cán bộ Phòng Quản lý Tài nguyên nước và khoáng sản kiểm tra khai thác nước trên địa bàn huyện Dầu Tiếng

- Xin ông cho biết hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh?

- Tài nguyên nước ở Bình Dương khá phong phú và đa dạng, cơ bản có 2 nguồn nước: Nước mặt và nước dưới đất. Nhìn chung hiện nay chất lượng của các nguồn nước đáp ứng yêu cầu sử dụng trên địa bàn. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp và đô thị đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước, để bảo đảm khai thác sử dụng nguồn tài nguyên này hiệu quả và tiết kiệm, nhiều năm qua tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó có quy hoạch nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn đến 2035 đã được thực hiện với 5 quy hoạch thành phần theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2022, gồm: Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước mặt, quy hoạch phân bổ tài nguyên nước dưới đất, quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước mặt, quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, quy hoạch phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Bên cạnh đó, khi cơ cở hạ tầng cấp nước chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến nhà đầu tư tự khoan giếng để lấy nước sử dụng, dẫn đến một số vùng có nguy cơ suy thoái. Đánh giá rõ nguyên nhân gây ra suy thoái, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành một số chính sách và đặc biệt ban hành vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất. Qua đó dần khắc phục tình trạng suy thoái nguồn nước dưới đất của một số tầng chứa nước quan trọng. Đến nay một số tầng chứa nước đã có dấu hiệu phục hồi khá khả quan.

- Khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước theo Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27-11-2013 của Chính phủ gặp những bất cập gì, thưa ông?

- Nghị định 201/2013/NĐ- CP chưa thống nhất một số nội dung theo Luật Thủy lợi, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (như giấy phép xả nước thải và một số nội dung liên quan). Về căn cứ cấp phép, quy định về đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất, quy định nâng cao mức bảo đảm nước cấp cho sinh hoạt, quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức lưu vực sông… chưa phù hợp với thực tế. Thủ tục hành chính còn nhiều, thời gian xử lý dài gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân tham gia cấp phép trong lĩnh vực tài nguyên nước; chưa quy định cụ thể các trường hợp thay đổi, điều chỉnh quy mô công trình phù hợp với thẩm quyền cấp phép của bộ và địa phương; chưa đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương đặc biệt là Sở TN-MT và UBND cấp huyện thực hiện theo chủ trương của Chính phủ.

- Như vậy, Nghị định 02 đã giải quyết được cụ thể vấn đề bất cập này, thưa ông?

- Nghị định 02 quy định cụ thể đối tượng được lấy ý kiến là đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định tại Điều 6 của Luật Tài nguyên nước, bao gồm: Đại diện UBND cấp xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, UBND cấp huyện, đại diện đơn vị quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước chịu ảnh hưởng của việc khai thác, sử dụng nước của dự án và tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Nghị định quy định trước khi xây dựng công trình khai thác nước dưới đất hoặc điều chỉnh tăng lưu lượng khai thác vượt quá 25% lưu lượng quy định trong giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đã cấp mà có khoan bổ sung giếng khai thác, chủ đầu tư phải thực hiện thăm dò để đánh giá trữ lượng, chất lượng, khả năng khai thác và phải có giấy phép thăm dò, trừ các trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất không phải xin cấp phép. Nghị định cũng quy định rõ về các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải có giấy phép; các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, phải có giấy phép...

Nghị định 02 quy định Sở TN-MT cấp tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép đối với các trường hợp: Thăm dò nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng trên 10m3/ ngày đêm đến dưới 3.000m3/ ngày đêm; khai thác, sử dụng nước biển cho mục đích sản xuất bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với lưu lượng trên 100.000m3/ngày đêm đến dưới 1.000.000m3/ngày đêm. Rút ngắn thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia cấp phép trong lĩnh vực tài nguyên nước; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương…

- Thưa ông, sắp tới Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ cụ thể theo Nghị định 02 như thế nào?

- Công bố, hướng dẫn, tuyên truyền Nghị định 02 đến người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn các đơn vịđược cấp phép thực hiện hồsơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định. Rà soát và gửi văn bản nhắc nhở các đơn vị có hoạt động khai thác nước dưới đất nhưng chưa lập thủ tục theo quy định. Theo dõi tình hình thực hiện kếhoạch cắm mốc hành lang bảo vệnguồn nước của các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Công bố thủ tục hành chính mới ban hành; thủ tục hành chính sửa đổi trong lĩnh vực tài nguyên nước thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN-MT, UBND cấp huyện. Xây dựng quy trình khung đối với thủ tục hành chính: Đơn giản thủ tục hành chính, dễ quản lý, điều hành và rút ngắn thời gian thực hiện. Xây dựng quy trình tiếp nhận và trả kết quả tại Sở TN-MT.

- Cảm ơn ông!

TIẾN HẠNH - QUỐC KHANH (thực hiện)