Khai thác lợi thế từ FTA: Cần sự nỗ lực chung
Các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam ký kết và thực thi đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tận dụng lợi thế
Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng là 19 Hiệp định Thương mại tự do (FTA); trong đó 16 FTA đã có hiệu lực và 3 FTA đang đàm phán. Thông qua các FTA này, Việt Nam đã có quan hệ đối tác với khoảng 56 quốc gia và các quốc gia này chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu. Điều này được đánh giá là giúp doanh nghiệp (DN) phát triển mạnh mẽ hơn, góp phần nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài.
Với các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA)… các DN có thêm kênh ưu đãi, lợi thế để khai thác, nhất là một số nước thành viên tham gia FTA đang là nguồn cung truyền thống cho nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam và nắm giữ những chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Việc tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào với giá thành cạnh tranh và việc DN trong nước tham gia kết nối, liên kết với các DN đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa khi tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia đến từ các thành viên tham gia FTA trở thành lợi ích nổi bật cho các DN trong nước.
Theo ông Alexander Christopher Falter, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ecco Việt Nam, công ty đã tận dụng hiệu quả các FTA để giảm thuế xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết. Từ đó, DN Việt Nam có thể thúc đẩy gia tăng sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang nhiều thị trường truyền thống và khai thác thêm các thị trường mới. Chẳng hạn với EVFTA, công ty đã khai thác triệt để lợi thế xuất khẩu sang thị trường này và tiến tới giảm thuế xuất khẩu bằng 0 vào năm 2027.
Cần sự nỗ lực từ các bên liên quan
Theo bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty Cơ khí Kim Chung, các FTA mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho DN, bởi các cam kết quốc tế mang tính “mở” trong FTA sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, khi đó các nhà cung cấp nội địa phải đối diện với áp lực cạnh tranh không nhỏ. Cho nên, điều cần thiết hiện nay là các DN phải nâng cao được năng lực, hướng vào những tiêu chuẩn cao hơn để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị toàn cầu. “Để một DN Việt Nam có thể đáp ứng và gia nhập vào chuỗi cung ứng của các DN đầu tư nước ngoài, vươn ra sân chơi toàn cầu, bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng DN trong nước cũng cần sự trợ lực từ các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương”, bà Trịnh Thị Hồng Châu nói.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, chia sẻ dưới góc độ DN, bản thân DN phải có nhiều sự thay đổi để có thể hấp thụ được những cơ hội từ các FTA. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, DN cần vượt qua giới hạn an toàn để xác định mục tiêu, vị trí muốn đạt được trong chuỗi giá trị, từ đó tìm ra lời giải cho bài toán sẽ đi như thế nào để đến được vị trí đó. Hiện nay, nhiều chính sách đã được ban hành để hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất, tận dụng tốt các cơ hội từ FTA, gia nhập chuỗi cung ứng bền vững, song các chính sách này cần có sự điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn giúp DN hấp thụ chính sách tốt hơn.
“Chính sách cũng cần được thiết kế một cách chi tiết hơn, gắn với việc đo lường kết quả cụ thể trong thực tế, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp để cộng hưởng với nỗ lực tự thân của DN. Qua đó giúp DN nắm bắt kịp thời cơ hội từ các FTA, tăng cường hợp tác đầu tư, thu hút nguồn lực, liên kết với các đối tác từ thị trường và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Nguyễn Liêm đề xuất.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho hay hiện nay vẫn có không ít DN chưa thật sự quan tâm đến các FTA, coi đây không phải là “sân chơi” dành cho mình, nên còn mơ hồ về FTA. Thời gian qua, mặc dù ngành công thương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, thông tin về các quy định của FTA mà Việt Nam tham gia nhưng đa số DN cử chuyên viên tham dự, còn những người có quyền quyết định trong DN lại không có mặt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ DN trong nước tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA còn thấp.
Trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về các FTA mà Việt Nam ký kết và thị trường các nước đã ký kết FTA. Trong đó, Sở Công thương chú trọng xây dựng các nội dung mang tính chuyên đề đáp ứng điều kiện đối tác yêu cầu, hạn chế tối đa rào cản phi thuế quan từ các nước; đồng thời phối hợp với Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại các nước tổ chức hoạt động kết nối, xúc tiến giúp DN tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình xuất khẩu, nhất là thông tin về việc các nước ký kết FTA với Việt Nam điều chỉnh chính sách thương mại, đầu tư, tiền tệ… Qua đó kịp thời hỗ trợ DN sản xuất nắm bắt thông tin mới về thị trường, nhu cầu xuất nhập khẩu, các cơ hội hợp tác, tiếp cận thị trường…”. (Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương) |
TIỂU MY