Khai thác hiệu quả dữ liệu luận văn, luận án khoa học
(BDO) Hoạt động khai thác, sử dụng, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ (TLLT), đặc biệt là dữ liệu luận văn, luận án sau đại học ở Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh đang không ngừng phát triển, góp phần đưa TLLT trở thành một trong những nguồn lực thông tin quan trọng, phục vụ sự phát triển chung của tỉnh.
Chuyên viên Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN tỉnh nhập dữ liệu thông tin luận văn, luận án sau đại học lên trang website của sở
Nguồn thông tin quan trọng
Trong những năm qua, các kết quả thực hiện luận văn, luận án trên địa bàn tỉnh được triển khai hầu hết ở các cơ quan, đơn vị. Cán bộ, công chức, viên chức đã đề xuất các đề tài luận văn, luận án thuộc lĩnh vực mình quản lý góp phần nâng cao năng lực, trình độ quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức tại đơn vị cũng như các cơ quan, đơn vị có liên quan. Sau khi kết thúc, cán bộ, công chức, viên chức đã tiến hành nộp đăng ký lưu giữ nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN, Sở KH&CN.
Trên trang website: http:// sokhcn.binhduong.gov.vn/, người có nhu cầu khai thác và sử dụng TLLT về luận văn, luận án sẽ tra cứu tại danh mục Chương trình đề án khoa học - danh mục luận văn, luận án sau đại học. Những năm qua, nhiều luận văn, luận án đã được cập nhật thông tin trên trang website của sở. Đơn cử như các luận văn: Đánh giá chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu do vi khuẩn đa kháng thuốc của Bồ Văn Lâm; Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng công cụ sàng lọc, liên kết dữ liệu quan trắc nước thải tự động với bản thông tin điện tử công khai trực tuyến đến cộng đồng của Phạm Thanh Toàn; Tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ - Nghiên cứu thực nghiệm tại các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ tỉnh Bình Dương của Nguyễn Thị Phương Thảo…
Ông Phan Hoài Bảo, Phó trưởng phòng Quan trắc hiện trường, Trung tâm Quan trắc, kỹ thuật, Sở Tài nguyên và Môi trường, chủ nhiệm đề tài luận văn: Quy hoạch mạng lưới quan trắc tại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi luận văn của mình được cập nhật, lưu trữ ở Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN tỉnh. Tôi rất mong muốn qua luận văn sẽ cung cấp thêm thông tin đến những tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về lĩnh vực này. Qua đó, có thể góp phần xây dựng được mạng lưới quan trắc thành phần nước mặt trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn chỉnh, hiệu quả, góp phần bảo vệ, nâng cao chất lượng nguồn nước, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Bà Huỳnh Hoàng Anh, chuyên viên Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN tỉnh, cho biết: “Những luận văn, luận án sẽ góp phần làm cơ sở, căn cứ cho những người có nhu cầu khai thác, sử dụng TLLT. Để được tiếp cận đầy đủ thông tin về luận văn, luận án cần tìm, người có nhu cầu khai thác, sử dụng các thông tin này trực tiếp đến trung tâm đọc, các luận văn, luận án này theo quy định không được mang đi nơi khác”.
Chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu
Trước sự phát triển của KH&CN và xu hướng phát triển lưu trữ điện tử, lưu trữ số đã và đang đặt ra những yêu cầu mới cho công tác lưu trữ nói chung và hoạt động khai thác, sử dụng TLLT nói riêng của tỉnh.
Vừa qua, Sở KH&CN đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành KH&CN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đáp ứng được yêu cầu lưu trữ, triển khai các cơ sở dữ liệu (CSDL), các hệ thống thông tin quản lý ngành KH&CN. Trong đó, Sở KH&CN sẽ hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin ngành KH&CN theo hướng kết hợp giữa mô hình tập trung và mô hình phân tán dựa trên công nghệ điện toán đám mây.
Ngoài ra, Sở KH&CN sẽ thực hiện chuẩn hóa các CSDL, nguồn dữ liệu về KH&CN hiện có. Bước đầu sở hình thành kho dữ liệu về KH&CN phục vụ công tác chuyển đổi số, điều hành đô thị thông minh. Bên cạnh đó, sở tham gia ý kiến với Bộ KH&CN, tỉnh trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; quản lý, vận hành khai thác CSDL quốc gia về KH&CN.
PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ