Khai thác hiệu quả du lịch lễ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh
(BDO) Việt Nam sở hữu hàng ngàn lễ hội - tài nguyên to lớn để phát triển du lịch lễ hội hấp dẫn, đặc sắc. Không chỉ lễ hội truyền thống, các lễ hội mới cũng đã hình thành thương hiệu, thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế. Việt Nam đang hợp tác với ASEAN để phát triển loại hình du lịch lễ hội bền vững.
Lễ rước diễu hàng trăm mô hình đèn Trung thu khổng lồ, rực rỡ sắc màu, được tuyển chọn từ các cuộc thi do thành phố Tuyên Quang và các huyện trong tỉnh tổ chức. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Lễ hội đặc sắc tạo thương hiệu điểm đến
Lễ hội thành Tuyên diễn ra lần đầu vào năm 2004 và nâng lên quy mô cấp tỉnh vào năm 2014. Đây cũng là sự kiện văn hóa đặc sắc của Tuyên Quang mỗi dịp Trung Thu. Năm 2023, lần đầu tiên tỉnh thực hiện Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội thành Tuyên giai đoạn 2023 - 2025 nhằm xây dựng, phát triển lễ hội trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia và quốc tế. Lễ hội đã nổi tiếng khắp cả nước bởi sự độc đáo bởi những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân có kích thước “siêu khủng”. Tổ chức kỷ lục Guinness Việt Nam đã chứng nhận “Đêm hội thành Tuyên có nhiều mô hình đèn độc đáo, lớn nhất Việt Nam”. Dịp nghỉ lễ 2/9 (từ ngày 1-4/9/2023), Tuyên Quang đón gần 120.000 lượt khách, tổng thu du lịch đạt trên 100 tỷ đồng, công suất sử dụng cơ sở lưu trú đạt 80%.
Tháng 9/2023, Hội An đã đón bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu. Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa thành phố Hội An, đây là một phong tục cổ truyền gắn liền với tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, có sức sống bền bỉ. Tiêu biểu là các hoạt động chế biến, tiêu thụ bánh Trung Thu truyền thống; chế tác và trang trí đèn lồng tại các di tích, thờ tự, nhà riêng, cửa hiệu, trang trí đường phố; chế tạo và biểu diễn múa linh vật, đặc sắc nhất là múa thiên cẩu... Đến nay, Tết Trung Thu đã trở thành sự kiện sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ hội và du lịch sôi động, hấp dẫn ở Hội An; góp phần khơi dậy mạnh mẽ nguồn mạch văn hóa dân gian, phát huy giá trị di sản của cộng đồng nơi đây.
Tại Đà Nẵng, từ 2008 đến nay đã củng cố thương hiệu Lễ hội pháo hoa quốc tế. Năm 2023, lễ hội này không chỉ đem đến một “mùa vàng” bùng nổ du khách đến, còn khắc họa rõ chân dung “thành phố pháo hoa” tầm cỡ khu vực. Lượng khách lưu trú vào đêm chung kết ở thành phố biển là hơn 63.000 lượt người, trong đó có 19.000 lượt khách quốc tế.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phúc thông tin, Huế đã được tôn vinh là thành phố của lễ hội, thành phố Festival của Việt Nam với trên 500 lễ hội liên quan đến cung đình, dân gian, truyền thống, tôn giáo. Dấu ấn nổi bật của Huế là xây dựng, tổ chức thành công Festival Huế vào các năm chẵn, lần đầu vào năm 2000 và Festival nghề truyền thống Huế vào các năm lẻ từ năm 2005. Các hoạt động trong sự kiện đã phát huy lợi thế di sản, văn hóa và giá trị truyền thống để quảng bá hình ảnh ra thế giới.
Festival Huế tạo được dấu ấn với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc mang tầm quốc tế. Nhiều đại chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp, hoành tráng ở khắp thành phố Huế và vùng phụ cận. Đó là những chương trình mang đậm dấu ấn cung đình, văn hóa truyền thống Huế (Đêm hoàng cung, dạ tiệc cung đình, lễ hội áo dài...) và các chương trình nghệ thuật mới mẻ, mang hơi thở thời đại do các đoàn nghệ thuật nổi tiếng đến từ nhiều nước biểu diễn.
Cùng đó, thông qua Festival nghề truyền thống Huế, nhiều nghề và làng nghề truyền thống đã được “hồi sinh,” đặc biệt là các nghề gắn với du lịch như chế tác nhà rường, may đo áo dài truyền thống, thêu tranh, pháp lam, hoa giấy, nón lá, trúc chỉ...
Từ năm 2022, Huế thực hiện mỗi mùa trong năm sẽ có một đợt Festival mang chủ đề, khác nhau, phù hợp với điều kiện thời tiết, văn hóa, phong tục, tập quán, đời sống của xứ Huế. Nhờ vậy, Festival Huế diễn ra gần như liên tục 4 mùa trong năm, giúp du khách thoải mái lựa chọn thời điểm, nội dung lễ hội thích hợp để khám phá, trải nghiệm.
Đêm khai mạc Tuần lễ Festival Huế 2022 với chương trình nghệ thuật mang tên “Đất nước thái hòa, bốn phương an lạc”. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Xu hướng mới để nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo Ban Thư ký ASEAN, năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19), ASEAN đã thu hút khoảng 143,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế (chiếm 9,6% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới) với tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (4%). Tổng thu từ du lịch quốc tế đạt 170,9 nghìn tỷ USD. Thị trường nguồn du lịch khu vực ASEAN chủ yếu là khách du lịch nội khối và Đông Bắc Á.
Trong báo cáo kế hoạch hồi phục du lịch ASEAN giai đoạn hậu COVID-19 (ban hành năm 2021), 5 giải pháp trụ cột đã được xác định trong đó có phát triển sản phẩm đáp ứng xu hướng du lịch mới góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Phát triển du lịch lễ hội hiệu quả giữa các nước trong khu vực là hướng đi mở ra nhiều cơ hội cho cho ASEAN, trong đó có Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng bền vững.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu nêu rõ: Việt Nam xác định du lịch văn hóa là một dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Du lịch văn hóa cũng là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa, lễ hội là sản phẩm bổ trợ, nổi bật và hấp dẫn, nâng cao trải nghiệm cho du khách quốc tế đến nước ta. Du lịch lễ hội đóng góp vào sự tăng trưởng chung của du khách khi đến ASEAN.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thông tin, loại hình du lịch gắn với lễ hội đã từng bước phát triển ở Đông Nam Á. Các nước đã ban hành chính sách phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn văn hóa trong đó có phục dựng lễ hội phục vụ phát triển du lịch với vai trò quan trọng của cộng đồng địa phương - chủ nhân các giá trị văn hóa trong thực hành lễ hội. Cách thức tổ chức lễ hội ngày càng chuyên nghiệp, đổi mới, sáng tạo với nhiều hoạt động hấp dẫn du khách, nhất là khách quốc tế.
Du lịch lễ hội là con đường ngắn nhất để tìm hiểu về sinh hoạt tâm linh của các dân tộc. Đồng thời, tour du lịch lễ hội cho du khách thấy rõ nét nhất sự phong phú đa dạng của cuộc sống cư dân khu vực ASEAN. Nhiều lễ hội đã nổi tiếng, thu hút đông du khách khắp nơi trên thế giới tham gia, như lễ hội năm mới ở Campuchia (Chnam Thmei), lễ hội té nước, lễ hội thả đèn lồng ở Thái Lan, lễ hội đua thuyền ở Lào, lễ hội nghệ thuật Bali ở Indonesia, lễ hội rằm trung thu ở Việt Nam...
Cùng với phần lễ, phần hội gắn với hoạt động cộng đồng như trình diễn âm nhạc, nghệ thuật truyền thống, thi đấu thể dục thể thao, trò chơi dân gian, ẩm thực, trình diễn văn hóa gắn, tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. Bên cạnh lễ hội truyền thống cũng đã xuất hiện nhiều lễ hội hiện đại, là loại hình sự kiện, văn hóa nghệ thuật gắn với bối cảnh đô thị và kinh tế thị trường.
ASEAN đang tích cực hợp tác để phát triển du lịch lễ hội, trong đó có việc đẩy mạnh quảng bá sản phẩm lễ hội thông qua công nghệ số. Theo kế hoạch hành động du lịch bền vững ASEAN 2023, khu vực này sẽ phát triển các nền tảng số hướng tới mục tiêu trong vòng 1 năm đạt 500.000 người dùng. Đồng thời phát triển các công cụ số với mục tiêu tăng 30% số doanh nghiệp sử dụng công cụ này.
ASEAN sẽ triển khai chiến dịch marketing số để quảng bá du lịch ASEAN với để trong vòng 1 năm tiếp cận 10 triệu du khách tiềm năng; đầu tư xây dựng nội dung quảng bá du lịch lễ hội lên website... Đây là giải pháp quan trọng để lễ hội, sản phẩm du lịch lễ hội khu vực ASEAN được đông đảo du khách biết đến.
Thêm vào đó, các nước trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam cần liên kết tổ chức khảo sát tuyến điểm, xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội cho cả khu vực; hợp tác để tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa du lịch nhằm thu hút du khách...
Theo TTXVN