Khai thác đá ở Thường Tân (Tân uyên): Người dân khổ đến bao giờ?!
2 ấp = 11 mỏ + 10 công ty khai thác đá
Từ tỉnh lộ ĐT746 huyện Tân Uyên đến xã Thường Tân, chúng tôi bắt gặp từng đoàn xe ben chở đá phủ bạt nối đuôi nhau chạy vun vút. Cứ vài phút là có 1 - 2 xe chở đá vụt qua. Đường về Thường Tân do vậy mà đầy ổ gà, ổ voi và bụi mù mịt. “Những năm lại đây, bà con sống ở Thường Tân đã quá khổ ải vì tình trạng khai thác và vận chuyển đá gây ô nhiễm môi trường...”, một người bán quán nước gần UBND xã than thở với chúng tôi.
Hầm khai thác đá bao trùm cánh đồng lúa
Ngay phía sau UBND xã chưa đầy nửa cây số là hình ảnh ken dày các mỏ đá. Giữa cánh đồng lúa nham nhở các hầm hố đá nổi lên còn in dấu nổ mìn. Trên tỉnh lộ ĐT746 có hai nhánh đường (đất đỏ và tráng nhựa) vào sâu chừng 500m nhưng đã xuống cấp trầm trọng. Chỉ riêng tại địa phận ấp 2 và 3 đã có đến 11 mỏ đá của 10 đơn vị đang khai thác, làm “náo loạn” cả một khu vực. Phía trước mặt đường ĐT746 là 11 bến cảng, các băng chuyền đá chỉa hướng ra sông Đồng Nai với hàng chục xà lan luôn có mặt châu đầu “ăn đá”.
Một cán bộ xã Thường Tân cho biết “chủ” các mỏ đá ở đây là những công ty ở Đồng Nai, TP.HCM và Bình Dương. Đá được vận chuyển chủ yếu qua hai đường. Một là đường thủy trên sông Đồng Nai và hai là đường bộ ĐT746. Thị trường tiêu thụ chính là đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Đông Nam bộ. Anh cán bộ xã chỉ tay ra phía mỏ đá và nói: “Với tiến độ khai thác như thế này chẳng bao lâu nữa Thường Tân sẽ chẳng còn đất để sản xuất, những thửa ruộng bị mất dần nhường chỗ cho các hồ nước giống như một số mỏ đá khai thác quá mức tạo thành hồ gây chết người ở huyện Dĩ An”.
Người dân khổ vì nổ mìn và khói bụi!
Hôm ấy, khoảng 11 giờ, chúng tôi vào một quán nước nằm bên cạnh sông Đồng Nai nghỉ chân, bỗng nghe “đùng”! Tiếng nổ ầm vang giữa buổi trưa ngột ngạt khiến ai nấy giật mình. Bà L., chủ quán cà phê cho biết, đó là tiếng bắn đá (nổ mìn). Cứ vào 11 giờ trưa đến 13 giờ 30 phút hàng ngày là tiếng mìn nổ vang trời, rung chuyển nhà cửa như xảy ra động đất. Hơn một giờ ngồi ở đầu đường ấp 2, chúng tôi nghe nhiều tiếng nổ mìn khủng khiếp và chứng kiến cảnh nơm nớp sợ hãi của người dân.
Bác Nguyễn Đức Sự (83 tuổi) ở ấp 2 đưa chúng tôi về nhà và chỉ cho chúng tôi thấy hậu quả do việc nổ mìn gây ra. “Bắn đá, nổ mìn làm nhà tôi nứt tường đút cả bàn tay vào cũng lọt...”, ông Sự bức xúc. Không chỉ làm nứt nhà dân mà nghiêm trọng hơn đó còn là tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác và vận chuyển đá. Ô nhiễm môi trường ở Thường Tân còn “nóng” hơn cả chuyện ô nhiễm kênh Ba Bò, dân ở đây khổ mà không biết kêu ai! Bác Sự than thở, từ ngày các mỏ đá đi vào hoạt động, máy nghiền đá gây ra bụi bay tứ tán. Bụi bay bám vào cây bưởi làm rụng hết bông, không đậu trái. Nhà trồng được 300 cây bưởi mỗi vụ tết thu nhập mấy chục triệu đồng. Hai ông bà già trông chờ vườn bưởi để lo cho tuổi già nhưng giờ thì hết rồi. Tệ hơn, bụi đá bay xa cả km bao phủ cánh đồng lúa làm bà con mất trắng mấy vụ liên tiếp”.
Điều mà nhiều người dân ở đây lo lắng nhất là sức khỏe. Ông Trần Văn Ngợi sống ở ấp 3 thở dài, nói: “Chúng tôi đang sống chung với bụi! Bụi trên mái nhà, bụi phủ đầy cây cối... chỗ nào cũng thấy bụi. Để giảm bớt bụi bay vào nhà tôi phải đóng kín cửa suốt ngày, thế mà mỗi ngày vẫn quét cả đống. Vườn cây ăn trái bụi bám không cây nào có thể ra hoa, kết trái được. Nhức nhối nhất là nhiều hộ đã phải chặt bỏ vườn cây. Có người không chịu nổi phải bán nhà đi nơi khác. Sống trong môi trường đầy bụi, các cháu nhỏ, cụ già thường xuyên bị bệnh, nhất là các bệnh về đường hô hấp. Dân kêu cứu nhiều lần, chính quyền thì giải quyết cầm chừng, chủ doanh nghiệp thì bất chấp luật pháp! Quá khổ...”.Anh Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Tân, cho biết: “Trung bình mỗi tuần, xã nhận cả chục đơn thư khiếu nại của bà con về chuyện khai thác đá gây ô nhiễm môi trường và đường sá hư hỏng. Tuy nhiên, các công ty khai thác đá là do ở trên cấp phép, quản lý nên chính quyền xã rất khó can thiệp!”.Tình trạng KTĐ ở Thường Tân không những đang ngày đêm làm chảy máu nguồn tài nguyên khoáng sản mà còn gây bức xúc, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhất là về trách nhiệm quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, còn làm tình hình an toàn giao thông, môi trường của địa phương và đời sống người dân đang bị đe dọa từng ngày.
Với diện tích mặt bằng khai thác khoảng 170 ha, trữ lượng đá ở đây rất lớn. Thời gian gần đây, giá vật liệu tăng cao nên tình hình KTĐ tại đây đang diễn ra với cường độ chóng mặt. Các mỏ đá hoạt động từ 3 giờ sáng cho đến 20 giờ mỗi ngày. Trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 2.000 lượt xe ra vào các mỏ đá. Với lượng xe lớn như vậy, con đường ĐT746 hiện đã xuống cấp trầm trọng...
TRÍ DŨNG