Khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng: Tài nguyên quốc gia đang bị thả nổi?

Thứ bảy, ngày 11/09/2010

Khó khăn trong quản lý

Việc KTC trong lòng hồ DT sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho xã hội nếu như được quản lý tốt. Tuy nhiên, thời gian qua công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn nên đã phát sinh những mâu thuẫn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Theo UBND huyện DT, đến nay có 2 đơn vị được cấp giấy phép thực hiện KTC trong lòng hồ là Công ty Dương Đại Lực do tỉnh Tây Ninh cấp giấy phép và một đơn vị do Bình Dương cấp giấy phép. Tuy nhiên, quá trình khảo sát cho thấy không chỉ 2 đơn vị này khai thác mà còn rất nhiều đơn vị khác cũng đang rất “tích cực” KTC tại đây. Các đơn vị này đều lấy danh nghĩa là có ký hợp đồng liên kết khai thác với 2 đơn vị trên làm bình phong cho việc KTC trái phép của mình.

  Ghe khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng luôn sẵn sàng "xung trận"

Vấn đề bức xúc nhất hiện nay là việc KTC lậu rất khó quản lý. Ngoài 2 bãi cát lớn của 2 đơn vị được cấp phép, hiện nay còn tồn tại hàng chục điểm KTC lậu của các đơn vị khác. Các bãi tập kết này lại nằm trong các “ngóc ngách” xung quanh hồ. Khi phát hiện, chính quyền địa phương thực hiện việc lập biên bản xử lý, tịch thu máy móc nhưng không hiệu quả và tình trạng KTC vẫn cứ tái diễn tràn lan. Trong khi đó, chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn về phương tiện kỹ thuật và nhân lực thực thi nhiệm vụ. Không chỉ khó khăn trong quản lý các điểm KTC lậu mà việc quản lý KTC của các đơn vị được cấp phép cũng gặp nhiều khó khăn và rất bất cập. Hoạt động KTC phải nộp thuế cho Nhà nước nhưng cơ quan quản lý không thể quản lý về khối lượng cát khai thác trong ngày của các đơn vị này. Mặt khác việc quy định vùng KTC hợp lý trong lòng hồ cũng chưa chặt chẽ.

Và những hậu quả nhãn tiền

Việc KTC tại đây thực tế chỉ đem lại nguồn lợi cho một nhóm người trong khi đó người dân quanh vùng phải gánh chịu các tác động xấu. Lợi thì chưa thấy đâu chỉ thấy các xe chở cát chạy bạt mạng, gây ra nỗi lo sợ cho người dân. Các tuyến đường giao thông nông thôn thì lại xuất hiệu thêm nhiều ổ gà, ổ voi, nhiều đoạn đường nhựa đã bị xới tung như ruộng cày do các xe cát chở quá trọng tải quy định. Số tiền đóng thuế của các đơn vị khai thác tại đây là không ăn thua so với những gì mà họ đã gây ra. Mặt khác số tiền thuế chỉ là số tiền “ước lệ” khi mà chính quyền địa phương không thể nắm chính xác khối lượng khai thác của các đơn vị để quy định mức tiền thuế cho hợp lý.

Nhiều người dân đặt ra câu hỏi liệu các đơn vị khai thác này có biết đến những hậu quả mà họ gây ra hay không và liệu họ có nghĩ đến các biện pháp để khắc phục hậu quả? Bên cạnh đó, việc khai thác tràn lan có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường như sạt lở bờ hồ, tác động xấu đến hoạt động của hệ thống thủy lợi hồ DT (sạt lở bờ đập). Ngoài ra, vấn đề quản lý con người tại các điểm KTC còn chưa được thực hiện chặt chẽ rất dễ dẫn đến tình hình mất an ninh trật tự tại địa phương.Việc KTC trong lòng hồ là việc cần thiết và hợp lý vì vừa thu được nguồn lợi lớn vừa thực hiện công tác nạo vét lòng hồ để duy trì mức nước hợp lý. Tuy nhiên công tác quản lý KTC trong thời gian qua còn lỏng lẻo và chưa khoa học. Nên chăng trong thời gian tới cần thống nhất giao cho 1 đơn vị có năng lực thực sự KTC tại đây và cần có các tính toán hợp lý về quản lý khối lượng cát được khai thác để nguồn tài nguyên này không chỉ chảy vào túi của một nhóm người mà là phục vụ cho lợi ích của cộng đồng.

CAO SƠN