Khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai: Vẫn tái diễn và ngày càng tinh vi

Thứ tư, ngày 05/10/2011

Cù lao Rùa (xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên) hiện nay đang đối mặt với nguy cơ sạt lở cao do các hoạt động khai thác cát. Cuộc sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn cù lao này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.   Hoạt động khai thác cát đang gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến vùng đất Cù lao Rùa

 Cù lao Rùa kêu cứu

Đầu năm nay, Cù lao Rùa đã vinh dự đón bằng di tích khảo cổ cấp Quốc gia, trở thành địa chỉ quan trọng trong việc nghiên cứu văn hóa thời tiền sử vùng Đông Nam bộ và hoạch định tổng thể xây dựng, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên hiện Cù lao Rùa đang đứng trước nguy cơ biến đổi nghiêm trọng do các hoạt động khai thác cát diễn ra một cách rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Các hoạt động khai thác cát trên đoạn dòng sông Đồng Nai chảy qua cù lao bao gồm cả hoạt động khai thác dưới hình thức hợp pháp và cả bất hợp pháp. Tuy dưới hình thức nào nhưng các hoạt động khai thác này cũng đang gây ra những nỗi lo lắng rất lớn cho nhân dân sống trên đất cù lao do nguy cơ xảy ra sạt lở mạnh. Tình trạng khai thác cát diễn ra chủ yếu tại 2 ấp Nhựt Thanh và Tân Hội.

Ông Mai Văn Cường - ngụ tại ấp Tân Hội là người chứng kiến các hoạt động khai thác cát trên đoạn sông ở đầu của cù lao cả chục năm nay đã tỏ ra rất bức xúc khi trao đổi với chúng tôi về tình trạng này. Ông cho biết các sà lan chỉ neo đậu và di chuyển một đoạn sông 500m trong vòng 6 tháng thì làm sao mà có thể gọi là nạo vét bờ sông được. Với tôi đây không phải là hiện tượng gây sạt lở bờ sông nữa mà phải gọi là hiện tượng mất đất vì thực tế đoạn eo được xem là cái cổ của con rùa hiện nay đang thu hẹp lại dần. Đoạn eo này vài năm nay đã thu hẹp lại chỉ khoảng 70 - 90m. Những người bạn của ông trong những lần đi bắt tôm, cá có kể lại với ông rằng có vài lần thử lặn xuống các hố mà các sà lan hút cát để lại có nơi ước chừng sâu từ 30 -50m. Cũng theo ông Cường, các hoạt động khai thác cát trên địa bàn xã đã bắt đầu từ năm 2001 nhưng người dân trên địa bàn xã không để ý nhưng sau này thấy xuất hiện hiện tượng sạt lở với mức độ ngày càng nghiêm trọng người dân mới chú ý đến. Hiện nay, nhiều nhà dân tại ấp Tân Hội cũng đang rất lo lắng vì bờ sông ngày càng tiến sát vào vách nhà của họ. Trước thực trạng bức xúc này, nhiều người dân trên địa bàn xã trong đó có ông Cường đã tụ họp lại đi thuyền ra đến các sà lan khai thác này để tìm hiểu thực hư và đề nghị các đơn vị này chứng minh các giấy phép khai thác nhưng các đơn vị này nhiều lần thoái thác. Từ đầu năm đến nay, họ đã 3 lần ra các sà lan này nêu bức xúc nhưng đều không có kết quả.

Ông Cao Hữu Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Trưởng ban Thanh tra Nhân dân xã Thạnh Hội thổ lộ: “Theo quan sát của người dân hoạt động khai thác cát càng ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn. Chúng tôi cũng chỉ ghi nhận phản ánh của nhân dân và ghi nhận tình hình chứ cũng không có các phương tiện để đi khảo sát tình hình thực tế. Hiện nay, người dân đang rất lo lắng về các ảnh hưởng lâu dài của các hoạt động này”.

Đau đầu nạn khai thác cát lậu

Góp phần vào các nguy cơ sạt lở cao trên Cù lao Rùa là các hoạt động khai thác cát lậu. Các hoạt động này đã diễn ra âm ỉ nhiều năm, liên tục thay đổi địa điểm và chủ yếu hoạt động ban đêm nên xã Thạnh Hội rất khó khăn trong quản lý.

Nhiều lần, UBND xã Thạnh Hội tổ chức lực lượng đi tuần tra nhưng đều thất bại bởi chúng hoạt động rất tinh vi và cài cắm các “vệ tinh” để cấp báo khi có đoàn kiểm tra. Trước đây, các thuyền khai thác cát lậu thường hút cát trực tiếp rồi vận chuyển vào bờ tập kết nhưng nay có thêm sà lan làm nhiệm vụ tiếp nhận cát tại chỗ. Số lượng thuyền khai thác cát lậu trên đoạn sông thuộc xã Thạnh Hội ngày càng đông và táo tợn hơn. Thậm chí có thuyền khai thác cát lậu còn tiến sát vào bờ để tiến hành hút cát.

Ông Lê Văn Mước - Trưởng Công an xã Thạnh Hội cho biết, mấy năm trước đây hoạt động khai thác cát lậu trên địa bàn xã còn quản lý, kiểm soát được nhưng cho đến nay công việc này thực hiện khó khăn hơn do hoạt động của các thuyền này ngày càng tinh vi. Phương tiện khai thác ngày càng hiện đại trong khi đó phương tiện của lực lượng công an, dân quân xã thì thiếu và yếu nên các hoạt động tuần tra, kiểm tra bị hạn chế rất nhiều. Do hạn chế về phương tiện và lực lượng nên trong vài năm trở lại đây lực lượng xã chỉ thu được 2 cái neo của các thuyền khai thác cát lậu chứ chưa bắt được quả tang chiếc thuyền nào. Cũng theo ông Mước do hạn chế về sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương nên khi lực lượng xã đi tuần tra thì các thuyền này lại di chuyển đến các địa phương khác để khai thác, một thời gian sau lại quay lại.

Trong các đợt tiếp xúc cử tri, người dân trên Cù lao Rùa đã nhiều lần phản ánh các bức xúc nhưng cho đến nay vẫn chưa có các hoạt động can thiệp cần thiết cũng như khắc phục. Nhân dân và chính quyền xã Thạnh Hội đang rất cần sự giúp đỡ kịp thời của các cơ quan hữu quan trong việc quản lý các hoạt động khai thác cát để hạn chế nguy cơ sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đối với đời sống sinh hoạt cũng như di tích lịch sử văn hóa nơi này.

 

Ông Trần Kim Quan - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội:

Khai thác cát đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân

Hiện nay, đơn vị quân đội là Trung đoàn Không quân 935 đã được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận thực hiện dự án nạo vét và tận thu sản phẩm nạo vét, thông luồng Cảng thủy nội địa Bửu Long để bảo đảm luồng chạy tàu ra vào cảng phục vụ hoạt động quân sự. Tuy nhiên đã nửa năm nay các sà lan thuộc đơn vị này chỉ thả neo một nơi và hút cát chứ không thấy di chuyển để khơi thông dòng chảy như nội dung của dự án. Hoạt động này gây ra nỗi bức xúc trong nhân dân trên địa bàn xã Thạnh Hội một phần là do làm biến đổi dòng chảy gây ra nguy cơ sạt lở cao cho cù lao. Mặt khác việc phân định rạch ròi ranh giới trên mặt sông là khó chính xác vì vậy nhiều khi các vòi hút cát của đơn vị này thả xuống cả phần sông thuộc địa bàn của xã Thạnh Hội. UBND xã đã lập tờ trình gửi lên huyện nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời.

Cần làm rõ mục đích thực sự việc nạo vét của các đơn vị này và thực hiện ngay đánh giá các tác động đến môi trường hai bên bờ sông.  Đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân hai bên bờ sông đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai địa phương Đồng Nai và Bình Dương mới có thể giải quyết tốt vấn đề.

 

Cao Sơn