Khai mạc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ năm, ngày 10/03/2022

(BDO)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 10/3, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 9.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến những nội dung công việc trong công tác lập pháp mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành tại phiên họp. Khối lượng công việc lập pháp tại phiên họp này rất lớn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về 3 dự án luật; cho ý kiến về 2 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ ba.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua 1 dự thảo pháp lệnh, 1 dự thảo nghị quyết và xem xét đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Đối với các dự án luật trình Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ ba, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan xây dựng hồ sơ, tài liệu các dự án luật khá công phu, kỹ lưỡng, đã đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Việc xây dựng các dự án luật này nhằm kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và kịp thời khắc phục bất cập, vướng mắc hiện nay trong việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; việc phòng, chống bạo lực gia đình cũng như đáp ứng yêu cầu về việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, chiều tối 9/3, Chủ tịch Quốc hội đã tiếp đoàn CEO của 40 doanh nghiệp lớn nhất Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN. Chủ đề cơ bản mà doanh nghiệp quan tâm là về kinh tế số và vấn đề lập pháp liên quan tới chuyển đổi số.

Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp để chuẩn bị trình Quốc hội là một bước thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế số, với mục tiêu trong nhiệm kỳ này, quy mô nền kinh tế số của nước ta phải đạt tối thiểu 20% tổng GDP của nền kinh tế. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, trong đó có bổ sung một số chỉ tiêu thống kê để đo lường kinh tế số...

Đối với các dự án luật trình Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ ba (Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)), ngay sau Kỳ họp thứ hai của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật này; đồng thời đã tổ chức nhiều buổi làm việc, khảo sát thực tế tại một số cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức các cuộc họp của các cơ quan thẩm tra với các bộ, ngành hữu quan để trao đổi, thống nhất về một số vấn đề lớn của các dự thảo luật.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Việc tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật này đã được tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng, trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của các chính sách, bám sát và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Các cơ quan cần tiếp thu hợp lý, xác đáng và giải trình thấu đáo, thuyết phục để bảo đảm chất lượng 2 dự án luật này.

Chủ tịch Quốc hội cho biết: “Chúng ta đã làm rất kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, rất nhiều vòng, rất nhiều lớp, lắng nghe ý kiến của rất nhiều kênh với tinh thần cẩn trọng, tỷ mỉ, cụ thể để có sản phẩm pháp luật được ban hành đáp ứng được cả yêu cầu về hình thức và nội dung. Về mặt hình thức thì bảo đảm hệ thống pháp luật được đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, công khai, ổn định, đời sống pháp luật dài, có tính dự báo cao. Về mặt nội dung thì đáp ứng được yêu cầu kiến tạo, phát triển đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng của Việt Nam.”

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu đối với cả các cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cần chủ động hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, cần thiết có thể tiếp tục tổ chức các kỳ họp bất thường của Quốc hội để xem xét, thông qua những dự án luật cần thiết, cấp bách.

Về công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã được tổ chức thành công tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Ngoài chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức một số phiên giải trình và đang có kế hoạch tiếp tục tổ chức các phiên giải trình.

Cùng với việc triển khai các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những chuyển biến tích cực của hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn mang lại đã khẳng định đây là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và cử tri, yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Căn cứ vào chương trình phiên họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, ý kiến về kinh tế-xã hội được đại biểu Quốc hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức một quy trình xin ý kiến về các nhóm vấn đề rất chặt chẽ. “Chúng ta đã đề ra 6 nhóm vấn đề khác nhau, căn cứ vào phiếu biểu quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng ta chọn 2 vấn đề dành cho 2 bộ trưởng”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”; “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.../.

Theo TTXVN