Khai mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
(BDO)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Sáng 11/3, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 32.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về năm dự án luật gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); dự án Luật Kiến trúc; dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật Thư viện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021; Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018; xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Chủ tịch Quốc hội cho biết so với chương trình dự kiến đã thông báo đến các cơ quan hữu quan, chương trình Phiên họp có năm nội dung được rút ra khỏi chương trình do các cơ quan chưa bảo đảm tiến độ chuẩn bị hoặc do cần phải nghiên cứu thêm cho thấu đáo. Đó là dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Danh mục dự án sử dụng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Bên cạnh đó, do một số cơ quan trình gửi hồ sơ quá muộn, một số Ủy ban phải tiến hành họp thẩm tra gần với ngày khai mạc phiên họp. Do đó, tài liệu gửi đến các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm hơn so với quy định.
Để đảm bảo Chương trình phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện đúng quy định, vừa qua, lãnh đạo Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội có văn bản thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị các nội dung phiên họp.
Cho ý kiến lần đầu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước
Ngay sau phiên khai mạc, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Tuy nhiên sau ba năm thực hiện, Luật Kiểm toán Nhà nước bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như phạm vi, đối tượng kiểm toán và đơn vị kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa đảm bảo sự tương thích giữa luật này với các luật khác có liên quan; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác kiểm toán và thanh tra, kiểm tra...
Sau khi các đại biểu thảo luận, cho ý kiến, phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển Phùng Quốc Hiển cho biết đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về việc cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước để đảm bảo yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Tuy nhiên, Ủy ban Kiểm toán Nhà nước cần rà soát lại các điều sửa đổi thật sự cần thiết, cố gắng tránh trùng lắp. Nếu có trùng lắp, có thể dẫn chiếu cho phù hợp; cố gắng để không phá vỡ sự thống nhất của hệ thống pháp luật có liên quan và tập trung vào một số nội dung liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ giữa cơ quan Kiểm toán với các cơ quan chức năng của Nhà nước.
Về đối tượng kiểm toán Nhà nước, dự thảo Luật mở rộng so với Điều 4 của Luật Kiểm toán Nhà nước hiện hành. Dẫn lại Điều khoản này “Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán,” Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh không mở rộng đối tượng kiểm toán mà chỉ làm rõ các tổ chức, cá nhân có liên quan khi tiến hành kiểm toán.
Nhấn mạnh phạm trù “tài sản công” rất rộng, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, “tài chính công” cần làm rõ những vấn đề liên quan như tiền công quỹ, vấn đề lưu chuyển tiền công, việc hình thành các quỹ đầu tư công... Đây cũng đều là đối tượng của kiểm toán.
“Tài chính tư” không phải là đối tượng của kiểm toán nhưng những vấn đề của “tài chính tư” liên quan đến hoạt động kiểm toán thì được mở rộng kiểm toán. Từ đó, không đặt “người nộp thuế” vào trong đối tượng kiểm toán.
Về nội dung có cho phép Kiểm toán Nhà nước xử phạt hành chính hay không, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ cho rằng cần cân nhắc. Tuy nhiên, có thể nghiên cứu thêm ý kiến cho phép Kiểm toán Nhà nước xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trong Điều 8 của Luật Kiểm toán Nhà nước quy định như “Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước; Cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước.”
Cơ quan soạn thảo có thể rất cân nhắc khi nghiên cứu. Cùng với đó cơ quan thẩm tra thẩm tra kỹ nội dung này.
Trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục tiếp thu, giải trình, thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định./.
Theo TTXVN