Khai mạc Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ hai, ngày 10/09/2018

(BDO)  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sáng 10/9, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 27. Theo chương trình, phiên họp sẽ diễn ra tới hết ngày 20/9.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 8 dự án luật chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Trong đó có 3 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về 5 dự án luật trình Quốc hội lần đầu, gồm: Luật Hành chính công; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo: Công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước năm 2018; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; việc thực hiện nghị quyết về giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến kỳ họp thứ 4, các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại các phiên họp; việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Kế hoạch kiểm toán năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào các nội dung: Chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; Kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn; thảo luận, cho ý kiến về 2 đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và đề án Thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và xử lý vướng mắc trong việc chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2017; phương án bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; việc bổ sung kinh phí mua hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia đã xuất cấp năm 2017; xem xét, quyết định thành lập: Phường Mỹ Đức thuộc thị xã Hà Tiên; thành lập thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang; tòa án quân sự khu vực, tòa án quân sự quân khu và tương đương; biên chế, số lượng thẩm phán của tòa án quân sự các cấp; việc bổ sung số lượng thẩm phán sơ cấp cho tòa án nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.

Về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, hầu hết các nội dung lớn của dự thảo Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thống nhất.

Riêng quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57) vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Hiện có những luồng ý kiến đó là: xử lý giải quyết tại tòa án; thu thuế thu nhập cá nhân và xử phạt hành chính ở mức cao đối với hành vi không giải trình được hợp lý nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm; giữ quy định Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành; hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính.

Về phương án 1 (xem xét, giải quyết tại tòa án): Theo phương án này, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình.

Tòa án ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc bác yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.

Ưu điểm của các phương án này là thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, việc giao cho Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và quyền lợi của các bên. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

Về phương án 2 (thu thuế thu nhập cá nhân), nếu Nhà nước không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế, người kê khai phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Ưu điểm của phương án này là thể hiện thái độ rõ ràng của Nhà nước khi xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc bằng công cụ kinh tế (thuế) nên thời gian xử lý ngắn hơn, hạn chế được tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý thông qua con đường Tòa án.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là chưa thể hiện được thái độ thật nghiêm khắc của Nhà nước trong xử lý tài sản, thu nhập có dấu hiệu không minh bạch trong phòng, chống tham nhũng, có thể dẫn đến việc trùng lặp trong thu thuế hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội trốn thuế. Phương án này chưa bảo đảm đầy đủ quyền được bảo vệ tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thông qua thủ tục tố tụng tư pháp có tranh tụng công khai tại Tòa án…

Sau khi cân nhắc kỹ các ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Cơ quan trình dự án đề nghị lựa chọn phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án vì cho rằng đây là phương án có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các phương án khác.

Thảo luận về vấn đề này hiện các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu lên những ý kiến khác nhau. Có ý kiến đồng tình phương án 1 và cho rằng, đây là phương án hay và cử tri cũng sẽ rất hoan nghênh.

Tuy nhiên, cũng cần tính tới tính khả thi của phương án này. Có ý kiến thì cho rằng, cần trở lại gốc của vấn đề là kiểm soát dòng tiền và tài sản. Khi có quy định về kê khai tài sản, thu nhập thì căn cứ vào đó, nếu có vi phạm thì xử lý.

Với tài sản, thu nhập không giải trình hợp lý về nguồn gốc, thì áp dụng biện pháp thu thuế. Đối với tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì đến nay pháp luật chưa có quy định nào để xử lý.

Với tài sản này, không loại trừ có nguồn gốc bất hợp pháp. Chính vì thế, cần có quy định để xử lý vấn đề này. Việc xử lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, phù hợp với xu thế chung, phù hợp với lòng dân…

Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 theo quy định tại Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội./. 

Theo TTXVN