Khai mạc kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X: Đại biểu đánh giá cao các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
(BDO) Tại kỳ họp, các đại biểu tiếp tục đánh giá cao các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh trong năm 2022.
Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng ổn định
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết nhìn lại một năm qua, có thể thấy đây là một năm với khá nhiều biến động phức tạp trên thế giới và trong khu vực, ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình trong nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Áp lực lạm phát tăng cao, các yếu tố đầu vào biến động mạnh, trong đó giá xăng dầu, nguyên vật liệu đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh đó, toàn hệ thống chính trị, cộng đồng DN và các tầng lớp nhân dân đã chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế; hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi tích cực, đời sống người dân, thu nhập người lao động được cải thiện.
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X. Ảnh: ĐỖ TRỌNG
Trong số 34 chỉ tiêu được thông qua tại Nghị quyết số 42/ NQ-HĐND ngày 10-12-2021 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, kết quả thực hiện có 29/34 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ của năm 2022. Cùng với đó, tỉnh ghi dấu ấn với nhiều sự kiện kinh tế - chính trị quan trọng, nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Trung ương và các địa phương trong và ngoài nước, thể hiện rõ nét sự phát triển năng động, sáng tạo và đổi mới của tỉnh nhà.
Về tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã vượt qua các khó khăn do tác động tiêu cực của tình hình thế giới và khu vực, sự ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch Covid-19 diễn ra vào những tháng cuối năm 2021, tăng trưởng kinh tế của tỉnh có sự phục hồi tích cực, tăng 8,01%. Một số ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp nhanh chóng phục hồi và có tốc độ tăng trưởng khá, tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho những năm tiếp theo. Sản xuất công nghiệp giữ mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Các nhóm ngành sản xuất cũng đã nhanh chóng phục hồi sau đại dịch. Các hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí sôi động trở lại, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú tại các siêu thị và chợ truyền thống, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 16,8% (năm 2021 tăng 3,4%), chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát.
Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh. Số DN thành lập mới tăng 32,3% so cùng kỳ năm 2021, đây là tín hiệu đáng mừng cho sự phục hồi kinh tế của tỉnh.
Chú trọng các giải pháp tăng trưởng
Bà Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh, nhìn nhận bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu nhất trí với UBND tỉnh về những khó khăn, hạn chế đã nêu trong báo cáo của UBND tỉnh; đồng thời để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển KT-XH năm 2022, đề nghị tỉnh quan tâm một số vấn đề như: Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến đất đai, xây dựng, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Cùng với đó là tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đúng quy định; tiếp tục chỉ đạo có giải pháp xử lý chống ùn tắc giao thông và tình trạng ngập nước cục bộ trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X. Ảnh: ĐỖ TRỌNG
Trước tình trạng lao động mất việc, giảm giờ làm ảnh hưởng đến thu nhập, cần sớm có biện pháp ổn định tình hình và tăng cường kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho người lao động theo nhu cầu tuyển dụng của các DN, nhằm hạn chế thấp nhất các vụ ngừng việc, tranh chấp lao động, góp phần thực hiện tốt phương châm gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết năm 2023 là năm bản lề, có nghĩa rất quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, cho nên kỳ vọng về sự phát triển trong năm 2023 là rất lớn. Mặc dù dự báo thời gian tới, kinh tế thế giới nói riêng và tình hình quốc tế nói chung sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường nhưng mục tiêu đề ra là tỉnh phải tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và chú trọng theo chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, phải xây dựng các chỉ tiêu phát triển quay trở lại bình thường như trước đại dịch Covid-19, thậm chí phải xây dựng các chỉ tiêu cao hơn mục tiêu đã đề ra để bù lại các năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần có giải pháp tăng thu ngân sách một cách hợp lý, tăng đầu tư công cho các công trình, dự án trọng điểm; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, phục vụ sự phát triển bền vững. Năm 2023, chỉ tiêu thu ngân sách đạt trên 74 ngàn tỷ, tăng gần 20% so với năm 2022. Chi đầu tư công trên 18 ngàn tỷ, gần gấp đôi năm 2022. Đây là các chỉ tiêu khó, song khó mấy cũng phải làm vì còn dư địa, cộng với chỉ đạo quyết liệt và đồng lòng quyết tâm thì chắc chắn sẽ thực hiện được.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị, HĐND tập trung thảo luận các giải pháp tiếp tục cải cách TTHC, xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, dự án camera giám sát an ninh, giao thông; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống IOC để điều hành đô thị thông minh và nâng cao chất lượng công tác quản trị xã hội. Song song đó là giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong bất cứ tình huống nào. Đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho sự phát triển và cuộc sống bình yên của nhân dân.
HĐND tỉnh cần thường xuyên, kịp thời cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, của Tỉnh ủy bằng các chính sách cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trên các lĩnh vực. Trước mắt, trong năm 2023, tập trung ban hành các chính sách về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách khuyến khích chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số; khuyến khích các DN tái cơ cấu theo hướng công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp 4.0 và phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…
HỒ VĂN