Khai mạc kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa X: Chủ động phân tích tình hình, có giải pháp phù hợp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng

Thứ sáu, ngày 21/07/2023

(BDO) Kinh tế phục hồi tăng trưởng

Trình bày báo cáo tại kỳ họp, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết năm 2023 tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình bất ổn của thế giới tác động tiêu cực đến sự phát triển KT-XH và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp (DN) trên phạm vi cả nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự điều hành tập trung, quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng DN và đặc biệt là sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; tình hình KT-XH của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế tăng trưởng ở mức 3,76%, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,65% so với cùng kỳ. Nhờ sự nỗ lực, chủ động triển khai các giải pháp có hiệu quả nên thu nội địa khá cao, nâng tổng thu ngân sách đạt 31.715 tỷ đồng (đạt 43% dự toán HĐND tỉnh thông qua và đạt 48% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao).

Đại biểu xem xét các tờ trình và phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa X. Ảnh: ĐỖ TRỌNG

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, trên lĩnh vực đầu tư trong nước đã có 3.156 DN đăng ký mới với tổng vốn 24.813 tỷ đồng và 891 DN bổ sung vốn với tổng vốn 21.565 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 62.603 DN trong nước với tổng vốn đăng ký 672.000 tỷ đồng. Trên lĩnh vực đầu nước ngoài, tỉnh đã thu hút được hơn 967 triệu đô la Mỹ, trong đó gồm 45 dự án mới với số vốn 361 triệu đô la Mỹ, 20 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn 71 triệu đô la Mỹ, 70 dự án góp vốn với số vốn 545 triệu đô la Mỹ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.121 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký đạt hơn 40 tỷ đô la Mỹ.

Cùng với đó, tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, như ban hành chỉ thị tăng cường thực hiện kế hoạch đầu tư công; phát động phong trào thi đua đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 từ tỉnh đến cấp huyện; tháo gỡ các vướng mắc như về di dời lưới điện cũng như hoàn thiện pháp lý về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, ủy quyền cho UBND cấp huyện thẩm định và phê duyệt…

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đã có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa thật sự rõ nét. GRDP tăng 3,76% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng của cả nước và các tỉnh, thành khác thì mức tăng trưởng này khá tích cực...

Các ngành, các cấp đã tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm. Tỉnh đã tổ chức khởi công đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đúng tiến độ đề ra; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 13, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng... Lĩnh vực phát triển đô thị, nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ môi trường tiếp tục được quan tâm thực hiện.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đã giảm lãi suất cho vay, cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN tiếp cận nguồn vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được thực hiện khá đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06, xây dựng thành phố thông minh được thực hiện quyết liệt; quốc phòng - an ninh được giữ vững…

Thực hiện nhiều giải pháp

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đã có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa thật sự rõ nét. GRDP tăng 3,76% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng của cả nước và các tỉnh, thành lân cận thì mức tăng trưởng này khá tích cực (cả nước 3,72%, TP.Hồ Chí Minh 3,55%, Bà Rịa - Vũng Tàu 3,47%, Đồng Nai 4%), bởi Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, với đặc điểm nền kinh tế mở chịu nhiều ảnh hưởng từ sự biến động của kinh tế thế giới…

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa X

HĐND tỉnh nhận định rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 3,76% trong giai đoạn hiện nay là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị của tỉnh. Mục tiêu tăng trưởng từ 8,5 - 8,7% trong năm nay là thách thức lớn. Do đó, để đạt mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ khác theo nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 mà HĐND tỉnh đã thông qua, UBND tỉnh cần phải tiếp tục cố gắng, nỗ lực, có nhiều giải pháp tích cực để thực hiện từ nay đến cuối năm 2023.

Nói về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, ông Nguyễn Lộc Hà cho biết UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chủ động nắm chắc, phân tích tình hình để có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng kinh tế. UBND tỉnh cũng tiếp tục tổ chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các hiệp hội, DN để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu giải pháp khơi thông, kích cầu tiêu dùng, góp phần tiêu thụ hàng hóa do DN trong tỉnh đang gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu...

Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án công trình trọng điểm, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 13, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường trong năm 2023; dự kiến khởi công đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh và cảng An Tây (đầu năm 2024), cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (dự kiến sẽ khởi công trong quý I-2024), đường ven sông Sài Gòn từ TP.Thủ Dầu Một đến TP.Thuận An...

ĐỖ TRỌNG