Khai mạc Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành TW Hội Liên hiệp Phụ nữ
(BDO)
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Ngày 18/12, tại Hà Nội, đã khai mạc Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Hội nghị tập trung xem xét, thảo luận các nội dung: Tóm tắt kết quả đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI; kết quả công tác Hội năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020; những vấn đề đặt ra về phát triển hội viên và công tác quản lý tài chính; dự thảo Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2022-2027, tầm nhìn đến 2035; dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; lấy phiếu tín nhiệm và kiện toàn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Hội.
Trong nửa nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, Nghị quyết đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, lựa chọn trọng tâm chỉ đạo hàng năm; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tạo cơ chế chính sách, phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp Hội, vai trò chủ thể của phụ nữ; sự phối hợp, hỗ trợ của ban, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cộng đồng thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu của nhiệm kỳ.
Công tác tuyên truyền, giáo dục ngày càng đáp ứng tính thời sự chuyển tải chủ trương, chính sách lớn của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; quan tâm, chủ động lên tiếng phản biện đối với các vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em trên phương tiện thông tin đại chúng, bước đầu ứng dụng kênh thông tin điện tử hiệu quả.
Các cấp Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng nhiều mô hình tiết kiệm hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của hội viên, phụ nữ với số dư tiết kiệm của hội viên đạt hơn 4.900 tỷ đồng với 8 triệu thành viên tham gia, cho gần 1,5 triệu phụ nữ vay; hỗ trợ triển khai 12 mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị tại 11 tỉnh, thành, thành lập mới 196 hợp tác xã; xây dựng và nhân rộng 18 mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo trên địa bàn các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 tại 14 tỉnh, giúp hơn 400 nghìn phụ nữ nghèo trên toàn quốc.
Điểm nổi bật ngay từ đầu nhiệm kỳ, đó là Trung ương Hội đã tập trung tạo cơ chế, chính sách, thông qua đề xuất và triển khai các đề án, chương trình của Chính phủ; ký kết 36 Chương trình phối hợp, thỏa thuận hợp tác với bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức, tập trung vào các lĩnh vực mới, khó như nghiên cứu khoa học, bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, phòng chống rác thải nhựa.
Các cấp hội đã triển khai, thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm: Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc; vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện giám sát và thực hiện phản biện xã hội, đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân.
Chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” năm 2019 đã được các cấp, các ngành đánh giá cao, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Cách thức triển khai thực hiện có nhiều đổi mới: Chỉ đạo thực hiện gắn với triển khai các các nhiệm vụ công tác hội, các chương trình, đề án, dự án, các tiêu chí gia đình 5 không, 3 sạch; tập trung vận động nguồn lực và thực hiện đồng bộ từ công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thực hiện các mô hình can thiệp, đề xuất chính sách về an toàn cho phụ nữ và trẻ em…
Các cấp Hội đã tổ chức thành công nhiều sự kiện như Lễ phát động “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”; Hội thảo khoa học, hội nghị, diễn đàn nhằm trao đổi kinh nghiệm, tìm giải pháp hướng tới việc đảm bảo an toàn phụ nữ và trẻ em một cách hiệu quả, đồng thời khuyến nghị, đề xuất chính sách; chủ động thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát hiện, tham gia giải quyết và lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực; tập trung nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách, giám sát và phản biện xã hội luật pháp, chính sách đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em hoạt động hiệu quả và thí điểm một số mô hình mới./.
Theo TTXVN