Khai mạc Chương trình du lịch về cội nguồn 2011
Tối 26/02, tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái diễn ra Lễ khai mạc Chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2011.
Đây là chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ và Lào Cai. Đông đảo đại biểu từ Trung ương, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và 3 tỉnh Yên Bái - Phú Thọ -Lào Cai cùng đại diện các tỉnh bạn, đông đảo nhân dân và du khách thập phương đã về dự.
Dự và phát biểu tại lễ khai mạc Chương trình du lịch về cội nguồn năm 2011, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những nỗ lực của ba tỉnh Yên Bái- Phú Thọ và Lào Cai trong việc liên kết phát triển du lịch. Sự liên kết này đã trở thành hình mẫu cho các tỉnh và khu vực khác học hỏi. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hi vọng với sự đổi mới, chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2011 sẽ có những bước tiến vượt bậc. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói: "Tôi tin rằng chương trình du lịch về cội nguồn năm 2010 sẽ tạo được những ấn tượng sâu sắc, góp phần thay đổi diện mạo du lịch ở 3 tỉnh với nhiều hoạt động du lịch sáng tạo, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, khai thác hiệu quả những tiềm năng du lịch của các tỉnh. Xin chúc sự hợp tác, phát triển du lịch của ba tỉnh thu được nhiều thành tựu mới, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung".
Mường Lò - vùng đất lễ hội .Năm nay, với mục đích hướng về cơ sở, tỉnh Yên Bái tổ chức lễ khai mạc tại một đơn vị cấp huyện. Đó là thị xã Nghĩa Lộ với cánh đồng Mường Lò lớn thứ hai Tây Bắc, từ lâu vẫn được biết đến là nơi khởi nguồn của người Thái miền Tây Bắc Việt Nam với những nét văn hóa đặc sắc. Với chủ đề “Mường Lò mở hội”, lễ khai mạc giản dị nhưng nhiều màu sắc với những màn đồng diễn, tiết mục văn nghệ đặc sắc đã nêu bật các nét văn hoá đặc trưng, cũng như tiềm năng du lịch của 3 tỉnh Yên Bái – Phú Thọ và Lào Cai. Trong đó đặc biệt giới thiệu sâu về các nét văn hóa và sinh hoạt cộng đồng, đó là một Mường Lò với những điệu xòe cổ nồng say, là những câu hát xoan, hát ghẹ Phú Thọ hay đất Bắc Hà với chợ phiên huyền ảo...
Lần đầu tiên thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái tổ chức một lễ hội có tầm cỡ và quy mô lớn nên từ rất sớm nhân dân các dân tộc trên địa bàn thị xã và các vùng lân cận đã về tham dự hội. Ai cũng cảm thấy tự hào về quê hương và đều mong muốn đóng góp vào sự thành công của ngày hội cũng như được đón nhiều du khách. Chị Hoàng Thị Lan ở bản Nỏng, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ nói: "Dự ngày hội lớn như thế này mình vui lắm, phấn khởi lắm. Hôm nay khai mạc, mình tham gia múa xòe, điệu múa hàng ngày người Thái mình vẫn múa vào các dịp lễ hội, dịp Tết, mình mong muốn giới thiệu đến các du khách và mong là mọi người yêu thích các điệu xòe này".
Sau Lễ khai mạc, Chương trình Du lịch về cội nguồn tiếp tục với nhiều hoạt động tại các tỉnh trong khu vực diễn ra ở các thời điểm khác nhau trong năm, như: Lễ hội Đền Hùng ở Phú Thọ, Tuần văn hóa khám phá Hồ Thác Bà (Yên Bái); Lễ hội Đền Thượng, Lễ hội trên mây Sa Pa, đua ngựa ở Bắc Hà (Lào Cai)… Ba tỉnh Yên Bái, Phú Thọ và Lào Cai phấn đấu trong năm 2011 này sẽ đón và phục vụ trên 5, 5 triệu du khách, trong đó hơn 400.000 khách nước ngoài, qua đó đạt doanh thu trên 1.200 tỷ đồng. Với những nỗ lực và sự chuẩn bị chu đáo, chắc chắn 3 tỉnh sẽ đạt được những mục tiêu đề ra, và du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Sau 6 năm tổ chức Chương trình du lịch về cội nguồn, 3 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Với gần 1.000 cơ sở lưu trú, trong đó có hơn 100 cơ sở xếp hạng từ 1 đến 4 sao, trên 500 khách sạn và 260 nhà hàng, 3 tỉnh đã đáp ứng khá tốt nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước, kể cả trong mùa cao điểm. Hoạt động kinh doanh lưu trú, lữ hành, khai thác sản phẩm du lịch và từng bước nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch cũng được các địa phương quan tâm đúng mức. Công tác xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, kêu gọi đầu tư cho du lịch được tăng cường đáng kể. Nhiều sản phẩm du lịch của ba tỉnh làm phong phú thêm hoạt động du lịch ở khu vực miền núi Tây Bắc. Phú Thọ có lễ hội Đền Hùng, vườn quốc gia Xuân Sơn, hội Trò Trám, các phiên chợ quê; Yên Bái có Hồ Thác Bà, ruộng bậc thang Mù Cang Chải cùng các bản làng dân tộc còn giữ nguyên nét đẹp truyền thống; Lào Cai có đền Bảo Hà, vườn quốc gia Hoàng Liên với đỉnh Phan-si-păng hùng vĩ, du lịch biên giới qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai, những phiên chợ vùng cao đặc sắc...
Qua 6 năm, ba tỉnh đã đón hơn 25 triệu lượt khách du lịch, riêng năm 2010, đón khoảng trên 2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt trên 1.000 tỷ đồng. Chương trình đã thu hút hơn 60 hãng lữ hành trong nước có uy tín tham gia với các tour du lịch mang đậm dấu ấn, sắc thái văn hóa từng vùng, từng dân tộc. Nhờ đó, hình ảnh 3 tỉnh đã dần được khẳng định rõ nét trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Theo VOV