Khai giảng lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp
Sáng 20-8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa II năm 2013.
Ông Tô Huy Rứa,Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.Ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổ chức lớp học; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội đã dự.
Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa II gồm 77 học viên, trong đó 1 học viên là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; 25 học viên đang công tác ở các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương, 52 học viên đang công tác tại các địa phương trong cả nước.
Học viên tham gia lớp học là các cán bộ đang đảm nhiệm hoặc được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan Trung ương và cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Với 4 tháng học tập trung tại Học viện, các học viên sẽ được trang bị hệ thống kiến thức cơ bản về lý luận, thực tiễn và một số kỹ năng, góp phần củng cố nhận thức về chính trị-xã hội, lập trường cách mạng; xây dựng tầm nhìn và tư duy chiến lược, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý; rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, tác phong, trách nhiệm công vụ của người cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng phát biểu chỉ đạo lớp học, ông Tô Huy Rứa đã nêu rõ các yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chiến lược trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Ông Rứa nhấn mạnh việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ ở phía trước như thế nào phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực, trước hết là chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cao cấp đang giữ các trọng trách ở các cơ quan, đoàn thể Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương. Đội ngũ ấy phải là tấm gương sáng về lập trường chính trị và đạo đức cách mạng; có tri thức hiện đại và trình độ lý luận cao, có tư duy và tầm chiến lược; có năng lực hoạt động thực tiễn về lãnh đạo, quản lý.
Để đào tạo được một người cán bộ như mong muốn, cần phải đề cao công tác đào tạo cán bộ trong thực tiễn nhưng cũng hết sức coi trọng việc mở các lớp đào tạo cơ bản và các lớp đào tạo theo chức danh, bởi đây chính là cơ hội quý giá để cán bộ trau dồi kiến thức cơ bản, bổ sung cập nhật kiến thức mới về lý luận, tổng hợp thực tiễn theo chuyên đề, theo nội dung công việc của vị trí chức danh.
Việc tổ chức lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp là nhiệm vụ quan trọng, vừa nhằm bổ sung kiến thức, năng lực quản lý để các cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ hiện tại, vừa tạo điều kiện để họ chuẩn bị kiến thức, năng lực thực tiễn, đáp ứng được tiêu chuẩn và yêu cầu của chức danh quy hoạch.
Ông Tô Huy Rứa đề nghị khóa học cần bảo đảm thật tốt nội dung của từng chuyên đề và toàn bộ chương trình của lớp học; vừa cung cấp những kiến thức cơ bản, vừa bổ sung những kiến thức mới về lý luận và thực tiễn, phù hợp với đối tượng của Lớp bồi dưỡng. Về lý luận, cần đi sâu nghiên cứu, thấm nhuần những thành tựu phát triển mới và các giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nghiên cứu Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược kinh tế-xã hội 2011-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và các Nghị quyết Trung ương ban hành trong những năm vừa qua.
Về thực tiễn, lớp bồi dưỡng cần hết sức coi trọng trau dồi về kỹ năng lãnh đạo, quản lý; khả năng nghiên cứu tổng kết thực tiễn và kỹ năng xử lý tình huống trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường các báo cáo điển hình từ thực tế công tác.
Lớp bồi dưỡng phải đặc biệt chú trọng trau dồi về đạo đức, lối sống của người cán bộ; gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay."
Ông Tô Huy Rứa lưu ý bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay đang đặt ra rất nhiều vấn đề sinh động, phong phú, phức tạp, đòi hỏi người cán bộ làm công tác lãnh đạo, quản lý phải kịp thời nắm bắt, phân tích, xử lý có hiệu quả, phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý.
Vì vậy, yêu cầu về nghiên cứu, tổng kết thực tiễn đối với học viên của lớp học phải được coi là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu. Chương trình đi thực tế phải xác định trúng các vấn đề thực tiễn tại các địa phương và đề xuất các giải pháp hữu hiệu, khả thi đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và các bộ, ngành Trung ương.
Các chuyến đi thực tế phải tổ chức một cách thiết thực, hiệu quả tránh hình thức, phô trương; khuyến khích đi đến những nơi có thực tiễn sinh động, đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều khó khăn. Phải đến tận cơ sở để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của nhân dân và thực trạng đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
Qua đó, mỗi học viên phải có trách nhiệm giúp đội ngũ cán bộ ở cơ sở nâng cao kiến thức, năng lực công tác. Việc nghiên cứu thực tế nước ngoài của học viên cần có chương trình kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, phù hợp, tiết kiệm bảo đảm có hiệu quả. Báo cáo thu hoạch phải đề xuất phương án vận dụng kinh nghiệm của nước ngoài vào lĩnh vực công tác của mình và thực tiễn của địa phương, đơn vị.
Ông Tô Huy Rứa yêu cầu cần thống nhất phương pháp giảng dạy tích cực đối với các lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cao cấp. Mỗi buổi học trên lớp phải là một không gian đối thoại, trao đổi đa chiều giữa giảng viên và học viên, giữa các học viên với nhau trên cơ sở thực tiễn công tác đa dạng và cách nhìn nhận nhiều phương diện của học viên.
Đó là cách tốt nhất để gắn lý luận với thực tiễn, gắn nhà trường với nhịp sống sinh động của xã hội và thực tiễn công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, ban, bộ, ngành Trung ương.
Theo TTXVN