Khách đi chơi vào dịp lễ tăng cao

Thứ bảy, ngày 30/04/2011

* Huyền ảo pháo hoa sông Hàn

Ngày 29-4, có khoảng 45.000 hành khách đến bến xe miền Đông (TP.HCM) đi xe đò đến các điểm du lịch, tăng gấp 2,5 lần so với ngày thường. Do đó, bến xe tràn ngập khách từ khu vực phòng bán vé đến bãi khách lên xe.

Tuy nhiên, do nhiều hãng xe đò thương hiệu đã bán vé trước nên đa số hành khách đến bến xe là lên xe ngay, không có cảnh xếp hàng ở các quầy chờ mua vé. Phần lớn hành khách đến bến xe đi du lịch là giới trẻ.

Theo ông Thượng Thanh Hải - Phó Giám đốc bến xe miền Đông, do kẹt xe ở đèo Cả nên phần lớn xe từ Phú Yên trở ra các tỉnh phía Bắc không kịp về bến xe đón khách đặt mua vé trước. Vì vậy, các doanh nghiệp đã điện thoại đến từng hành khách đặt mua vé trước đề nghị lùi 1-2 giờ ra bến lên xe. Đồng thời bến xe miền Đông cũng phát loa đến các hành khách thông báo xe từ các địa phương về chậm.

Tương tự, các doanh nghiệp vận tải tuyến TP.HCM - Vũng Tàu cũng than phiền hai điểm kẹt xe nặng là khu vực Suối Tiên và khu vực ga Sóng Thần (quốc lộ 1A) làm nhiều xe về bến chậm.

Theo ông Phạm Minh Sương - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải tốc hành Mai Linh, bốn tuyến đường chính có lượng khách đi tăng cao gồm Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột và Phan Thiết được hành khách đặt mua vé trước đã hết chỗ.

Do đó ngày 29-4, đơn vị đã điều các xe chạy tuyến Hà Nội và Đà Nẵng vào chở khách cho bốn tuyến đường có lượng khách tăng cao này.

Mặc dù bến xe miền Đông có nhiều xe tăng cường vào chở khách nhưng vẫn còn hàng trăm hành khách có thói quen đứng đón xe ở dọc đường. Sau cơn mưa chiều 29-4, dọc tuyến quốc lộ 1A (đoạn từ Trường đại học Nông lâm đến cầu vượt Bình Phước, Q.Thủ Đức) và trên quốc lộ 13 (đoạn thuộc địa phận Q.Thủ Đức), rất nhiều người mang balô đứng hai bên đường để đón xe khách.

Phần lớn trong số đó là sinh viên các trường đại học tranh thủ những ngày nghỉ để về quê hoặc đi du lịch theo nhóm.

Còn ở bến xe miền Tây, có hơn 40.000 khách về thăm quê trong dịp lễ 30-4, tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Do các đơn vị vận tải tăng cường xe chở khách nên ở đây không xảy ra cảnh xếp hàng chờ mua vé. Theo phòng điều độ bến xe miền Tây, hành khách đi nhiều trên các tuyến đường Tiền Giang, Long An, Bến Tre và Trà Vinh.

* Tối 29-4, Đà Nẵng như chìm trong thế giới huyền ảo của những màn pháo hoa. Từ 18 giờ, dòng người đã đổ về chật kín các tuyến đường hai bên sông Hàn như Bạch Đằng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo... chờ phút khai hỏa.

 

Màn pháo hoa lung linh của đội Hàn Quốc

21 giờ, đội Anh bắt đầu bằng màn trình diễn vô cùng độc đáo, ấn tượng với ánh sáng trắng nhấp nháy theo nhịp cùng với hiệu ứng thác nước tinh tế. Tiếp đó, từng tràng pháo hoa vụt sáng hòa nhịp với âm nhạc trong màn trình diễn “Xuôi dòng lịch sử sông Hàn” kéo dài 20 phút. Tiếp sau đội Anh là phần thi “Sông Hàn và những thách thức” của Hàn Quốc mang đậm chất nghệ thuật từ xứ sở kim chi.

Cuối cùng, người dân ngỡ ngàng khi chứng kiến màn biểu diễn kỳ ảo của đội chủ nhà Việt Nam với thông điệp “Sắc màu của cuộc sống nhiều đổi thay qua chân dung người Đà Nẵng”. Tối nay 30-4 sẽ diễn ra phần thi của hai đội Trung Quốc và Ý.

* Chiều tối 29-4 tại TP Huế, Không gian tôn vinh nghề ẩm thực và cây kiểng ba miền đã được khai mạc. Nghề ẩm thực được tôn vinh tại khu vực quảng trường Ngọ Môn trước hoàng cung Huế. Ban tổ chức cho biết đã huy động hơn 200 đầu bếp đến từ Hà Nội, TP.HCM và của Huế.

Từ nay đến hết ngày 3-5 sẽ nấu phục vụ theo thực đơn trong khoảng 200 món ăn đặc sản của cả ba vùng miền trên cả nước. Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu ven sông Hương đã trở thành nơi trưng bày của hơn 600 cây cảnh, bonsai. Hoạt động nói trên mở màn cho Festival nghề truyền thống Huế 2011.

Theo Tuổi Trẻ