Khắc phục khó khăn, nỗ lực dạy - học trực tuyến

Thứ tư, ngày 27/10/2021

(BDO) Gian nan không nản chí

Chúng tôi có dịp trở lại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Trong nhiều gia đình, đa số người lớn đã đi làm, chỉ còn mấy đứa trẻ ở nhà chăm chú học trực tuyến, trong đó có cả mấy em ở xóm khác đến đây học nhờ wifi. Suốt mấy tháng qua, chẳng quản nắng mưa, hàng ngày em La Nam Khánh, học sinh lớp 12, trường THPT Phước Vĩnh thức dậy từ rất sớm, cắp sách, đạp xe băng rừng cao su sang nhà ông La Văn Sự - “già làng” dân tộc Sán Chay để học bài. Trò chuyện với chúng tôi, Khánh tâm tình: “Nhà em nằm ở cuối xóm, cách đây khoảng vài cây số. Trước khi nhà trường thông báo cho học trực tuyến, bố mẹ em đã lắp wifi và mua điện thoại cho em. Nhưng vì bên nhà em sóng wifi cứ chập chờn mãi, mỗi lần vào lớp học thường xuyên bị rớt mạng, đường truyền gián đoạn nên em phải sang bên này ngồi học nhờ wifi”.

Nhiều HS đồng bào Khmer có hoàn cảnh khó khăn ở ấp Tân Thịnh, xã An Bình, huyện Phú Giáo may mắn được các giáo viên trong xã cho mượn máy tính xách tay để học trực tuyến

Chỉ tay về phía khóm rừng cao su, rừng điều rậm rạp tỏa bóng mát, “già làng” La Văn Sự cho biết, bên khu rừng kia có một vài chỗ sóng điện thoại di động rất yếu. Nhiều gia đình ở trong đó đều kết nối wifi cho con em học trực tuyến nhưng không “dò” được sóng. Các em đành phải đi học nhờ những nhà ở khu vực sóng wifi “khỏe”.

Sinh sống ở địa bàn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, các em nhỏ đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Tân Thịnh, xã An Bình, huyện Phú Giáo cũng gặp không ít khó khăn trong học trực tuyến. Trong suốt hành trình học trực tuyến vừa qua, nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn không có thiết bị để theo học. Nhằm giúp các em vượt khó trong học tập, nhiều người đã cho các em mượn máy tính xách tay cá nhân để các em tiếp tục theo đuổi con chữ. Ông Ngưu Bư, người có uy tín trong đồng bào Khmer ở ấp Tân Thịnh, chia sẻ: “Đồng bào Khmer nơi đây cuộc sống còn nhiều khó khăn nên không thể trang bị máy móc đầy đủ cho con cái học hành. Cũng may là thời gian qua có một số giáo viên trường mầm non của xã hỗ trợ các em học trực tuyến như tập hợp các em học cùng khối tại một địa điểm học chung, cho các em học lại bài giảng trực tuyến được ghi âm”.

“Sóng và máy tính” vẫn đồng hành

Theo thống kê của ngành giáo dục huyện Dầu Tiếng, đầu năm học toàn huyện có hơn 800 HS có hoàn cảnh khó khăn, không có thiết bị học trực tuyến. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, cá nhân và đơn vị, đến nay đã có khoảng 400 HS nghèo được tặng máy tính. Số HS còn lại huyện vẫn đang tiếp tục kêu gọi, vận động và quyên góp tiền mua thiết bị để trao tặng. “Bên cạnh thiếu thiết bị, ở khu vực rừng Núi Cậu có sóng di động rất kém nên nhiều HS gặp khó khăn trong học tập. Khi HS trở lại trường, phòng chỉ đạo các trường ôn tập, củng cố lại bài tập cho HS bị “hổng” kiến thức trong thời gian học trực tuyến”, ông Tạ Tấn Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Dầu Tiếng cho biết. Trong khi đó, tại một số địa phương phía Nam của tỉnh, mặc dù điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin địa phương phát triển nhưng nhiều HS nơi đây cũng không tránh khỏi những khó khăn khi học trực tuyến. Tình trạng nghẽn mạng do lượt truy cập quá tải thi thoảng cũng diễn ra, làm gián đoạn buổi học.

Nhằm khắc phục những khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến, trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các công ty viễn thông rà soát và tăng cường lắp đặt bổ sung trạm thu phát sóng di động 4G đến các vùng sâu, vùng xa; thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật, bảo đảm đường truyền internet, giúp giáo viên và HS vào lớp học trực tuyến.

Đồng hành cùng ngành giáo dục tỉnh nhà, trong thời gian qua, Viettel Bình Dương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, nâng cao chất lượng trong việc dạy và học trực tuyến. Ông Đặng Văn Nhiên, Giám đốc Viettel Bình Dương, cho biết thực hiện chương trình “Sóng và máy tính” cho em, Viettel đã trao tặng hàng trăm máy tính và sim 4G miễn phí cho HS nghèo trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đường truyền internet miễn phí cho gần 300 trường học với chi phí tài trợ 1,2 tỷ đồng/năm. “Nhằm bảo đảm hệ thống đường truyền không bị nghẽn mạng, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật như: Nâng cấp hạ tầng server lên gấp đôi so với thời điểm bình thường; nâng cấp và cập nhật phần mềm thường xuyên để đáp ứng nhu cầu thực tế trong việc dạy và học trực tuyến. Đặc biệt, chúng tôi nâng cấp băng thông đường truyền internet cho các trường học để bảo đảm kết nối cho việc dạy và học trực tuyến”.

Nhằm khắc phục những khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến, trong thời gian vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các công ty viễn thông rà soát và tăng cường lắp đặt bổ sung trạm thu phát sóng di động 4G đến các vùng sâu, vùng xa; thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật, bảo đảm đường truyền internet, giúp giáo viên và HS vào lớp học trực tuyến.

THU HƯỜNG