Kết quả bầu cử ở Italia: Châu Âu lo lắng
Ngày 26-2, Bộ Nội vụ Italia công bố kết quả sơ bộ cuộc bầu cử quốc hội nước này, theo đó không có đảng nào chiến thắng áp đảo, khiến đất nước lâm vào tình thế tê liệt chính trị. Kết quả bầu cử đã tạo nên một kịch bản tồi tệ nhất được dự kiến từ trước. Các thị trường tài chính toàn cầu đã phản ứng tiêu cực với kết quả bầu cử ở Italia và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đang bị tâm lý hoang mang bao trùm.
Nói không với “chính sách kinh tế khắc khổ”
Với 99,7% phiếu bầu được kiểm, liên minh trung tả của ông Pier Luigi Bersani giành được 29,55% phiếu, theo sau là liên minh trung hữu của ông Silvio Berlusconi (29,17%), “Phong trào 5 sao” của ông Beppe Grillo (25,54%) và liên minh trung dung của ông Mario Monti (10%). Kết quả bầu cử thượng viện cũng khá sít sao với liên minh của ông Bersani giành gần 32% phiếu, liên minh của ông Berlusconi 31% phiếu, phong trào của ông Grillo 23%... Kết quả này đồng nghĩa không một đảng nào chiếm ưu thế trong quốc hội và đủ mạnh để thành lập 1 chính phủ liên minh.
Cử tri Italia thờ ơ với cuộc bỏ phiếu bầu cử quốc hội.Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu lần này là khoảng 75%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên 80% của các cuộc tổng tuyển cử trước và cũng là mức thấp nhất kể từ khi Cộng hòa Italia được thành lập sau Thế chiến thứ 2. Đây được xem là biểu hiện của sự trừng phạt mà cử tri dành cho các đảng lớn ở nước này. Một lượng phiếu bầu từ những cử tri bất bình với các chính phủ cầm quyền thời gian qua đã được dồn cho “Phong trào 5 sao” của ông Beppe Grillo - một diễn viên hài chuyển sang làm chính trị.
Tờ New York Times ngày 26-2 nhận định sự chia rẽ trong cử tri đã gửi một thông điệp rõ ràng trên chính trường Italia: Không theo đuổi chính sách kinh tế khắc khổ. Kết quả bầu cử cũng cho thấy sự phản đối chiến lược cắt giảm thâm thụt ngân sách nhanh chóng do Ủy ban châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu đề xuất dành cho Italia.
Hy Lạp thứ 2?
Tâm lý lo sợ bế tắc trong bầu cử Italia có thể đẩy eurozone vào trạng thái hỗn loạn như bầu cử Hy Lạp năm 2012 đã khiến các thị trường tài chính toàn cầu đã phản ứng tiêu cực. Ngày 26-2, các thị trường chứng khoán châu Á cũng sụt giảm trong phiên giao dịch đầu ngày. Chỉ số Dow Jones của Mỹ hôm 25-2 giảm hơn 200 điểm, mức giảm lớn nhất kể tháng 11-2012. Một kết cục như thế không có lợi cho những nỗ lực của Italia, một đất nước mà cách đây ít lâu từng đe dọa kéo cả EU vào vòng xoáy khủng hoảng vì gánh nợ công khổng lồ 2.000 tỷ EUR, bằng 127% GDP, trong việc thông qua các biện pháp cải cách cần thiết để vượt qua khủng hoảng kinh tế và ngăn chặn một sự hỗn loạn mới trong thị trường tài chính toàn cầu.
Theo giới quan sát, kết quả bầu cử như trên chưa từng xảy ra trước đó và tình trạng rối loạn chính trị sẽ khiến một cuộc tổng tuyển cử mới có thể được tổ chức ngay trong tháng tới. Đây được xem là kịch bản tồi tệ nhất cho những thị trường đang trông chờ Italia, nền kinh tế lớn thứ 3 của eurozone, tiếp tục có những cải cách đau thương nhưng cần thiết để đưa đất nước vượt qua những khó khăn hiện nay.
Những quyết sách mà chính phủ mới của Italia (nếu có) đưa ra trong vài tháng tới sẽ tác động mạnh mẽ đến việc eurozone có vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay hay không. Hay khả năng một chính phủ liên minh yếu ớt một lần nữa sẽ đẩy Italia và cả khu vực eurozone vào tình trạng hỗn loạn nếu thị trường đặt câu hỏi về các cam kết về những giải pháp giữ mức thâm thụt ngân sách trong phạm vi chấp nhận được (khoảng 3% GDP). Tóm lại, sự ra đời của một chính phủ yếu ớt ở Italia có thể làm giảm thêm niềm tin đối với khả năng tồn tại của đồng EUR.
Theo SGGP